Sụt cân, bước đi không nổi, tưởng nan y sắp chết hóa ra mắc bệnh cường giáp

Lê Cầm
Lê Cầm
17/12/2023 15:20 GMT+7

Người đàn ông tên P.H.S (58 tuổi, Lâm Đồng) mệt mỏi, sụt cân, tiêu chảy, đi không nổi, phải nằm một chỗ, hai má hóp... Người thân lo sợ ông mắc bệnh nan y, không thể cứu chữa được.

Sau 2 tháng đổ bệnh, sụt 10 kg, đi không nổi

Khai thác bệnh sử, người thân cho biết trước đây ông S. đi lại nhanh nhẹn nhưng chỉ sau 2 tháng mắc bệnh, ông không đi được 10 bước chân, da nhăn nheo, mặt hóm, tay chân teo tóp. Ông sụt 10 kg, chỉ nằm một chỗ, thường xuyên mệt, khó thở, ăn uống kém, hay tiêu chảy. Nhiều người hàng xóm đến thăm ông vì nghĩ ông không sống được bao lâu do mắc bệnh nan y.

Ông được người thân đưa đi khám bệnh nhiều nơi nhưng chỉ được cho thuốc hạ huyết áp về uống. Sau 4 tháng, sức khỏe ông S. càng yếu hơn, các triệu chứng ngày càng nặng. Con cháu của ông tranh thủ nghỉ làm để về chăm sóc, ở cạnh ông những ngày cuối đời. Đến khi gia đình ông nghe tin người họ hàng bị bệnh nặng hơn đã điều trị khỏi tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM nên đưa ông đi khám với hi vọng "còn nước còn tát".

Ngày 17.12, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Trần Nguyên Duy (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cho biết qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cho thấy ông S. có những triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp như tim đập nhanh, yếu cơ tay chân, hồi hộp, lo lắng, thường xuyên bị tiêu chảy, mệt, khó thở, sụt cân… Do các triệu chứng đã tiến triển khá lâu, kèm theo việc người bệnh có các triệu chứng nặng như khó thở, mệt nhiều nên bác sĩ chỉ định xét nghiệm hoóc môn, siêu âm tuyến giáp và khám tim mạch.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị cường giáp với hoóc môn kích thích tuyến giáp TSH giảm còn 0,005 microIU/ml, hoóc môn thyroxin tăng hơn 100 pmol/l vượt ngưỡng không thể đo được. Vì không được phát hiện và điều trị sớm nên bệnh cường giáp đã gây biến chứng rung nhĩ, tăng huyết áp, suy tim nặng. Tình trạng này tiếp tục kéo dài không điều trị thì người bệnh đối diện với cơn bão giáp (một biến chứng nguy hiểm của cường giáp), hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngay lập tức ông S. được nhập viện theo dõi và kiểm soát hoóc môn tuyến giáp bằng thuốc kháng giáp, thuốc điều trị suy tim và tăng huyết áp. Sau 3 ngày, hoóc môn tuyến giáp giảm xuống ngưỡng an toàn, huyết áp ổn định, ông ra viện và tiếp tục điều trị tại nhà. Sau 10 ngày, ông S. ăn cơm ngon miệng, đi lại nhanh nhẹn, leo cầu thang dễ dàng, có thể lao động chân tay trở lại.

Sụt cân, bước đi không nỗi, tưởng nan y sắp chết hóa ra cường giáp - Ảnh 1.

Bác sĩ tái khám, thăm hỏi tình hình sức khỏe ông S. sau quá trình điều trị ổn định

T.A

Các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp

Bác sĩ Duy cho biết hoóc môn tuyến giáp có vai trò quan trọng trong trao đổi chất và hoạt động của tim. Khi hoóc môn tuyến giáp tăng cao quá mức sẽ khiến tim đập nhanh, tim làm việc nhiều hơn bình thường lâu dài gây suy tim, thậm chí đột tử.

Phát hiện sớm bệnh cường giáp cũng giúp phòng tránh các biến chứng của bệnh như loãng xương, lồi mắt, trầm cảm, rối loạn nhịp tim, suy tim.

Người dân có thể nhận biết bệnh cường giáp qua các triệu chứng như tim đập nhanh, đánh trống ngực, tay run, lo lắng, sụt cân, chán ăn, thường xuyên bị tiêu chảy, nhìn mờ, nhìn đôi, da mỏng, rối loạn kinh nguyệt, không chịu được nóng, đổ nhiều mồ hôi, khó ngủ, có bướu cổ, rụng tóc, móng tay dễ gãy, mắt lồi, yếu cơ tay, chân… Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh cường giáp, cần gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được khám và điều trị bệnh, phòng biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Duy khuyến cáo, các triệu chứng của bệnh cường giáp ở mỗi người có thể biểu hiện khác nhau, rõ ràng hoặc khó nhận biết. Do đó, để phát hiện sớm bệnh, người dân nên chủ động khám sức khỏe hằng năm ít nhất 1 lần. Nên được xét nghiệm và siêu âm tuyến giáp. Người đang điều trị bệnh tuyến giáp không tự ý bỏ điều trị, cần tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm tra chức năng tuyến giáp, tăng giảm liều thuốc phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.