Suýt nữa 'kịch bản xấu nhất' xảy ra trên quỹ đạo trái đất

02/02/2023 13:55 GMT+7

Những nhà quan sát không gian nín thở khi theo dõi rác tên lửa đẩy từ thời Liên Xô sượt qua một vệ tinh chết của Nga với khoảng cách thót tim là 6 m.

Suýt nữa thảm họa xảy ra trên quỹ đạo trái đất - Ảnh 1.

Mô phỏng một vụ va chạm trên quỹ đạo trái đất

SCIPHO

Vụ việc diễn ra vài ngày trước khi Úc kích hoạt radar mới cho phép theo dõi chuyển động của các vật thể trên không gian, theo trang Cosmos. Radar Không gian Tây Úc (WASR) của Hãng LeoLabs bắt đầu hoạt động từ ngày 30.1 ở Collie Shire, gần Bunbury của bang này.

Sự cố giữa tầng trên cùng của tên lửa đẩy SL-8 và vệ tinh "chết" Cosmos 2361 ở quỹ đạo trên Nam Cực là lời cảnh báo cho nguy cơ va chạm chực chờ trong không gian xung quanh trái đất.

LeoLabs cho rằng suýt nữa đã xảy ra "viễn cảnh tồi tệ nhất" nếu hai vật thể này đâm vào nhau.

"Nếu phần còn lại của tên lửa đẩy SL-8 và Cosmos 2361 đâm vào nhau, vụ va chạm sẽ tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ dự kiến sẽ tồn tại trong nhiều năm tới", theo nhận xét trên Twitter của LeoLabs.

Liên Xô phóng tên lửa đẩy vào năm 1986. Còn vệ tinh được Liên bang Nga đưa vào quỹ đạo năm 1998.

LeoLabs cho biết hai vật thể trên đang di chuyển ở độ cao 984 km, tức lọt vào khu vực đầy những tàn tích và mảnh vỡ rác không gian. Trong số này có khoảng 160 bộ phận tên lửa SL-8 và ngần ấy các vệ tinh chết. Tất cả đều được triển khai cách đây hơn 20 năm.

"Những tàn tích tên lửa đẩy sẽ kiên trì bám trụ trên không gian trong nhiều thập niên. Trên thực tế, một phần của vụ phóng không gian lần thứ bảy của con người là Vanguard 2, do Mỹ thực hiện vào năm 1959, đến nay vẫn còn trên quỹ đạo thấp của trái đất sau hơn 64 năm", theo báo cáo của LeoLabs.

Tất cả những vật thể ở độ cao này đều đối mặt nguy cơ va chạm trong tương lai. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, LeoLabs tính toán được 836 lần các vật thể di chuyển cách nhau 100 m.

Và số rốc két và những tầng mang theo nhiên liệu bị vứt đi sau mỗi đợt phóng vệ tinh (trọng lượng khoảng 200 kg) đang gia tăng. Năm 2022 chứng kiến thêm 50 rác tên lửa bị bỏ lại ở vùng quỹ đạo thấp của trái đất.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.