Syria và cuộc chiến tàn khốc 10 năm chưa hồi kết

20/03/2020 18:00 GMT+7

Cuộc xung đột tàn khốc ở Syria bước sang năm thứ 10 và chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến hàng trăm ngàn người chết.

Khi người dân Syria xuống đường vào ngày 15.3.2011, họ không thể tưởng tượng được phong trào biểu tình chống chính phủ sẽ trở thành cuộc xung đột phức tạp kéo dài giữa phe nổi dậy được nước ngoài hậu thuẫn và lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.
Đến nay, ít nhất 384.000 người đã thiệt mạng ở Syria, trong đó có hơn 116.000 dân thường, AFP dẫn số liệu của các tổ chức quốc tế cho biết.
Xung đột khiến hơn 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tìm nơi lánh nạn trong lẫn ngoài nước, nhiều nhất là khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tàu vận tải quân sự Nga qua eo biển Bosphorus ra Địa Trung Hải đến Syria, tháng 2.2020

Reuters

Chưa có hồi kết

Không chỉ có phe nổi dậy được các nước vùng Vịnh lẫn phương Tây hậu thuẫn, xung đột Syria còn dẫn đến sự trỗi dậy của những nhóm cực đoan. Đáng chú ý nhất là tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq vào năm 2014.
"Một thập niên chiến tranh không mang lại điều gì tốt đẹp ngoài sự hủy hoại và nỗi khốn khổ của người dân. Hiện không có giải pháp quân sự. Bây giờ là lúc để tìm kiếm giải pháp ngoại giao", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Antonio Guterres viết trên Twitter.
Dù vậy, trong những năm gần đây, tất cả nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm kết thúc xung đột đều thất bại, với các thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ ngay sau khi ký kết.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Dana, tỉnh Idlib, Syria đầu tháng 2.2020

AFP

Hiện một số quốc gia có lực lượng quân sự hiện diện tại Syria, với Nga và Iran ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad. Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng IS và rút quân hồi năm ngoái, nhưng quân đội Mỹ vẫn duy trì binh sĩ đóng quân tại khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở phía đông bắc Syria.
Sau cuộc chiến chống IS, mục tiêu chính của Mỹ đã chuyển sang kiềm chế việc Iran tăng cường sức ảnh hưởng ở Syria và trong khu vực. Còn Israel, đồng minh của Mỹ, thường xuyên tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ quân sự của chính phủ ông Assad, lực lượng Hezbollah (Li Băng) và Iran ở Syria.
Bên cạnh đó, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính quyền ông Assad, đã triển khai lực lượng quân sự đến biên giới với Syria, lập các chốt quân sự ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy.
Mục tiêu chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn tràn sang, đồng thời chống lại lực lượng người Kurd. Ankara cáo buộc người Kurd hậu thuẫn những nhóm nổi dậy bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành trì cuối cùng của phe nổi dậy

Nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah, chính phủ Tổng thống Assad đã tái kiểm soát hơn 70% đất nước bị chiến tranh tàn phá, theo Reuters.
Tỉnh Idlib ở tây bắc Syria hiện là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Đây cũng là mục tiêu tấn công dồn dập của lực lượng chính phủ Syria kể từ tháng 12.2019.
Ít nhất 60 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng sau những đợt không kích dữ dội nhắm vào phe nổi dậy ở Idlib hồi cuối tháng 2.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra lệnh cho quân đội tiến hành những đợt tấn công trả đũa liên tục từ ngày 1 - 3.3 nhắm vào lực lượng chính phủ Syria, giết chết 100 binh sĩ và bắn hạ 2 chiến đấu cơ Su-24 của Syria.
Ông Erdogan gọi đó "chỉ là khởi đầu" và đe dọa tấn công tất cả mục tiêu ở Syria, nếu các chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị tấn công.

Người dân vội vã băng qua những tòa nhà đổ nát sau một trận không kích ở thủ đô Damascus, Syria

Reuters

Chiến tranh ủy nhiệm có nguy trở thành cuộc đối đầu trực diện nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công vì Nga cũng có lực lượng quân cảnh hiện diện ở Idlib.
Chính vì thế, ông Erdogan đã có chuyến thăm và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow ngày 5.3. Sau đó, đến ngày 13.3, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc các vòng đàm phán và đã đạt thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực ở Idlib từ ngày 15.3.
Cũng theo thỏa thuận, phía Thổ Nhĩ Kỳ - Nga sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung từ thị trấn Tronba ở tỉnh Idlib, theo Interfax.
Tuy nhiên, “cuộc tuần tra chung ngày 15.3 đã bị cắt ngắn do những phần tử cực đoan dùng thường dân, phụ nữ và trẻ em làm lá chắn sóng dọc theo xa lộ M4 để gây hấn”, theo thông báo Bộ Quốc phòng Nga.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phe nổi dậy ở Idlib không tuân thủ lệnh ngừng bắn, theo Interfax.

Thiệt hại khoảng 400 tỉ USD

Chiến tranh đã tàn phá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Syria, gây thiệt khoảng 400 tỉ USD, theo báo cáo của LHQ. "Các dịch vụ cơ bản, bệnh viện và trường học cần được xây dựng lại trên toàn quốc”, theo báo cáo của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng từng mô tả xung đột Syria là "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần 2". Còn đặc phái viên LHQ về Syria, Geir Pedersen cho biết: "Bản chất khủng khiếp và lâu dài của cuộc xung đột là bằng chứng cho thấy sự thất bại về mặt ngoại giao".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.