Syria vẫn bế tắc sau hội đàm giữa ngoại trưởng Nga - Mỹ

27/08/2016 15:23 GMT+7

Không có kết quả cụ thể nào từ cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Mỹ tại Geneva, trong khi vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ mới đây càng khiến tình hình Syria thêm phức tạp.

Sau cuộc nói chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ, hai ngoại trưởng Mỹ và Nga đã không thể đưa ra một thỏa thuận mang tính đột phá về hợp tác quân sự và chấm dứt chiến sự tại Syria, Reuters ngày 27.8 cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau những trao đổi tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 26.8, theo đó chỉ mới xác định được “một con đường rõ ràng phía trước”, trong khi những chi tiết cuối cùng sẽ phải chờ vài ngày tới để chốt hạ.

“Chúng tôi không muốn có một thỏa thuận cho lợi ích của nó. Chúng tôi muốn những điều tạo ra hiệu quả và có ích cho người Syria, tạo ra một khu vực ổn định, bảo đảm và đó là những gì chúng tôi thảo luận ở Geneva để tìm kiếm giải pháp chính trị”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Kerry cho biết hai bên đã "đạt được sự rõ ràng về con đường phía trước" và rằng phần lớn các bước theo hướng đổi mới một lệnh ngừng bắn tháng 2 và kế hoạch nhân đạo đã được hoàn thành trong các cuộc đàm phán.

Cuộc đàm phán giữa ông Kerry và ông Lavrov về Syria được kỳ vọng sẽ giải quyết ba vấn đề lớn: Một lệnh ngừng bắn ở Syria để cứu trợ nhân đạo; một sự phân biệt rạch ròi giữa các bên Nga - Mỹ - chính quyền Syria - các phe đối lập để không chạm trán nhau khi tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS); những thỏa thuận cho giải pháp hòa bình ở Syria.

Đài Russia Today trong khi đó cho biết, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định cuộc đàm phán tại Geneva đã giúp Nga và Mỹ giảm thiểu sự hiểu lầm, và hai nước đồng thuận tăng cường hợp tác tại Syria kể cả ở lĩnh vực quân sự.

“Chúng tôi đồng ý trên những phương án cụ thể rằng chúng tôi đang làm việc như sau: Nga – với quân chính phủ và phe đối lập đang cộng tác với chúng tôi, Mỹ - làm việc với phe đối lập đang cộng tác cho họ”, ông Lavrov nói.

Sự phân chia này cũng là mấu chốt trong cuộc chiến ở Syria. Trước đây, vấn đề chính nằm ở việc hai bên tố đối phương tấn công vào “phe mình”, đơn cử như trường hợp tại thành phố Aleppo, nơi Mỹ đang hỗ trợ nhóm al-Nusra, vốn là nhánh thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda đang chống lại chính quyền Tổng thống al-Assad do Nga hậu thuẫn.

Nga đã nhắc đi nhắc lại rằng họ muốn Mỹ giữ lời hứa, làm thế nào để tách các phe đối lập do Washington hỗ trợ ra khỏi danh sách khủng bố. Quan điểm của các bên về việc ai là “khủng bố” cũng khác nhau, nên ảnh hưởng tới thỏa thuận ngừng bắn vì hai chữ “ngừng bắn” không áp dụng với đối tượng khủng bố.

Một khi rắc rối này chưa được sáng tỏ, nhiều khả năng tiến trình đàm phán hòa bình và tìm giải pháp chính trị cho Syria sẽ còn xa mới đạt được.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 26.8 khẳng định quân đội nước này sẽ tiếp tục hiện diện ở biên giới Syria cho tới khi nào sạch bóng IS lẫn các “tay súng khác”.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ giữ sự hiện diện quân sự ở biên giới Syria cho đến khi nào quét sạch IS ở khu vực này Reuters

Các tay súng khác ấy đề cập tới Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) tại Syria. Chiến dịch càn quét IS của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định không cho phép người Kurd bén mảng tới khu vực Jarablus, cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và thành phố Gaziantep nơi diễn ra vụ đánh bom ở đám cưới làm chết hàng chục người tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Reuters nhận định rằng một vụ đánh bom tại đồn cảnh sát thị trấn Cizre, tỉnh Sirnar (Thổ Nhĩ Kỳ) làm chết 11 cảnh sát ngày 26.8 càng làm tình hình thêm phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại nước này là thủ phạm. Điều đó càng khiến Ankara có lý do để thắt chặt an ninh.

“Từ khi bắt đầu, chúng tôi đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi cũng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Mục tiêu của những tổ chức khủng bố này là tạo ra một nhà nước ở các quốc gia này... Họ sẽ không bao giờ thành công”, ông Yildirim nói tại Istanbul.

Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia với vai trò chính là tiêu diệt IS, đồng thời ủng hộ các phe đối lập, trong đó có Quân đội Syria Tự do (FSA), một tổ chức muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.