Tòa án Paris hồi tuần trước tuyên phạt 1 năm tù treo đối với ông Benoît Yang Ting, 76 tuổi, vì “lạm dụng sự yếu đuối” của nạn nhân, theo tờ L’Express. Yang Ting bị buộc tội dùng các biện pháp ám thị tâm lý cấy ký ức giả vào bệnh nhân để trục lợi. Lối “trị liệu” ám muội này đã bị Cơ quan liên bộ phòng chống tà phái (Miviludes) lên án từ năm 2007 nhưng đây là lần đầu tiên có một “lang băm” chính thức bị xét xử.
Tiền mất tật mang
Trong suốt hơn 10 năm trời, vì sự ám thị của Yang Ting mà luật sư Sophie Poirot luôn tin rằng mình từng bị xâm hại tình dục bởi cha ruột. Ban đầu, bà đến phòng khám của Yang Ting chỉ vì “cảm thấy trống rỗng”. Sau một hồi hỏi thăm chuyện cũ, lang băm này ngay lập tức nắm lấy chi tiết rất bình thường: Năm 16 tuổi, bà Poirot từng được cha ôm để an ủi khi mẹ bà qua đời. Sau một hồi khơi gợi và dẫn dắt mở đầu bằng câu hỏi: “Bà có chắc cha mình không có ý nghĩ đen tối nào không?”, ông Yang Ting đã khiến bệnh nhân tin rằng mình có một ký ức đau buồn bị chôn giấu trong tiềm thức nhiều năm nay. “Thầy” khẳng định đây chính là nguyên nhân khiến bà buồn chán và để khắc phục, cần phải điều trị tích cực. Quá trình “trị liệu” bao gồm ngắn hạn (320 euro/giờ) và dài hạn (40.000 euro/tuần). Tổng cộng từ năm 1993 cho đến khi phát hiện mình bị lừa, bà Poirot đã trả hết 238.000 euro cho “thầy”.
|
Nữ luật sư kể lại trên tờ L’Express: “Mỗi đợt như thế thường từ 6-8 giờ/ngày, liên tục trong 7 ngày và kéo dài từ 3-5 tuần. Hầu hết thời gian tôi chỉ làm một việc là nằm trên đi văng trong tình trạng không mảnh vải che thân và “chiêm nghiệm” về những nỗi đau của quá khứ. Dần dà bạn sẽ tin tuyệt đối những gì ông ta phán”. Cứ thế, bà Poirot cắt hết liên lạc với gia đình, bạn bè để làm theo từng lời của Yang Ting, kể cả chấp nhận quan hệ tình dục với ông ta. Tên lang băm chi phối hoàn toàn cuộc sống và kể cả tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi bà Poirot gặp gỡ chồng tương lai và thật sự thức tỉnh khỏi “bùa mê” với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Khoảng 80% nạn nhân của trò cấy ký ức là nữ, thường ở độ tuổi 30-35 và có học vấn cao. Tuy nhiên, nam giới cũng không thoát khỏi tay các lang băm. Cùng đệ đơn kiện với bà Poirot là chuyên gia tư vấn về quản lý Bernard Touchebeuf. Để làm dịu đi ký ức buồn do ông Yang Ting ngụy tạo về việc “mẹ từng có ý tự phá thai khi đang có mang tôi”, ông Touchebeuf đã phải móc hầu bao tổng cộng 750.000 euro.
Vấn nạn tà phái
Tùy theo mức độ có thu hút nhiều bệnh nhân/tín đồ hay không và quy mô tổ chức mà những hoạt động chữa trị kiểu Yang Ting bị xếp là “lang băm” hoặc hoạt động “tà phái”. Những kẻ lừa đảo đều rất giỏi dùng các biện pháp tâm lý để từng bước thu phục và kiểm soát hoàn toàn tinh thần, lý trí và cấy ký ức giả vào nạn nhân.
L’Express dẫn lời Chủ tịch Miviludes George Fenech giải thích: “Các lang băm tập trung tìm kiếm tín đồ tiềm năng ở những người đang trải qua giai đoạn khó khăn như căng thẳng trong công việc, buồn chuyện gia đình… Sau đó, họ sẽ tạo sự tin tưởng để nạn nhân dễ dàng bày tỏ nỗi lòng, từ đó khai thác các chi tiết và làm nạn nhân tin rằng mình có những nỗi đau từ xưa còn vương vấn trong tiềm thức, chẳng hạn như xâm hại tình dục hoặc ngược đãi”. Rất nhiều gia đình đã tan vỡ vì các ký ức giả độc hại này.
Miviludes ước tính tại Pháp có từ 5.000 - 10.000 lang băm dùng chiêu cấy ký ức để lừa đảo. Còn theo Chủ tịch Hội Cảnh báo cấy ký ức Claude Delpech, đây là một hiện tượng đang lan rộng tại nước này. Hiện đã có hơn 600 gia đình nạn nhân đề nghị được hội giúp đỡ. Để giúp người dân tránh xa các lang băm và tà phái, Miviludes vừa cho xuất bản một cẩm nang khá chi tiết về những phương pháp trị liệu gây “tiền mất tật mang”.
Ngoài cấy ký ức, các tà phái còn có nhiều biện pháp khác để thuyết phục nạn nhân như khẳng định cách điều trị chính thống chỉ gây lãng phí thời gian, chê bai hệ thống y tế của nhà nước, rồi lại dùng chiêu ám thị tâm lý để khiến nạn nhân từ bỏ hẳn bác sĩ và thuốc men. Người bị lừa chỉ tin vào “thầy” và sẵn sàng chi đậm để tham gia các lớp huấn luyện, các chương trình điều trị “bệnh nào cũng khỏi”. Trong trường hợp này, nạn nhân không chỉ hao tốn tài sản mà có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng.
Một điểm đáng chú ý khác, theo Le Figaro, có từ 1.200 - 1.500 tổ chức chuyên về tập huấn kỹ năng cho nhân viên các công ty là tà phái trá hình. Chủ yếu các tổ chức “hắc ám” này tập trung trong lĩnh vực “phát triển nhân cách”, có tổng doanh thu hằng năm lên đến hàng trăm triệu euro. Nguy hại hơn, các tà phái có thể nắm được dữ liệu quan trọng hoặc chi phối hoạt động của công ty trong trường hợp chiêu dụ được một thành viên của ban lãnh đạo.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Người nước ngoài lừa lấy tiền
>> Độc dược Lishou
>> “Mê hồn trận” thuốc giảm béo
>> Giỡn mặt tử thần
>> Những cách giảm stress đơn giản
>> Bị “thôi miên”, mất tài sản?
Bình luận (0)