Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Dùng mưu kế vào tận hang cọp

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
11/11/2021 06:15 GMT+7

Trong lịch sử bình Man (tên triều Nguyễn gọi người dân tộc thiểu số), có tướng chọn chủ trương vỗ về, người thì theo đuổi đánh phạt, Lê Văn Duyệt chọn cả hai.

Ngoài ra, ông còn tổ chức dân binh Quảng Ngãi thành các đội quân tại chỗ, giúp họ tự giữ lấy nếu Man nhân quay lại đột kích. Tháng 5 âm lịch (AL) năm 1804, vua sai Lê Văn Duyệt và Lê Quang Định biên binh và dân Quảng Ngãi thành 10 kiên cơ, với ý quân triều đình đến thì Man nhân bỏ trốn, quân về thì họ nổi lên quấy phá, quân ở xa đến không quen thủy thổ, bất tiện nên phải đặt ra mười kiên cơ “khiến họ tự giữ lấy, dân nhờ đó được yên” (Đại Nam thực lục, tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, 2002, tr.601).

Người Thượng (Đại Nam thực lục gọi là người Man) mổ trâu - hình chụp của thuyền trưởng Baudesson

tạp chí Le Tour de Monde, 1909

Giả làm dư đảng Tây Sơn

Đầu năm 1805, Man nhân tràn xuống cướp phá, vua lại sai Lê Văn Duyệt đem quân vào Quảng Ngãi tiến đánh, khi quân triều đình đến thì Man nhân trốn về núi sâu, vua cho triệu Lê Văn Duyệt về kinh, sai phó tướng Phan Tiến Hoàng đóng binh giữ đất. Đến tháng 5 AL năm 1806, vua sai Lê Văn Duyệt biên 10 kiên cơ ở Quảng Ngãi thành 6 kiên cơ (Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu, Nội kiên), cứ 3 người thì lấy 1, được 3.000 người.

Vua Gia Long nghĩ đến cánh quân Phan Tiến Hoàng đang lưu ở Quảng Ngãi hơn một năm chịu nhiều khổ cực, bèn sai cấp thuốc, tiếp đó cử Lê Văn Duyệt cầm quân vào Quảng Ngãi tiếp tục đánh Man. Tháng 4 AL năm 1807, khi quân tiến đánh đến Đồng Dương thì tù trưởng Man ra quy phục, Lê Văn Duyệt dâng sớ về tâu, “[Thần] lại sai chúng chiêu dụ bọn Man hoang cho đều yên nghiệp làm ăn, nay đã được yên, không còn lo nữa” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.697). Đến tháng 7 AL, Lê Văn Duyệt được triệu về kinh và thưởng cho 3.000 quan tiền, Phan Tiến Hoàng tiếp tục lưu lại Quảng Ngãi, tướng sĩ đều được thưởng. Cuối năm, hơn 300 Man nhân quay trở lại quấy phá đốt bảo (dạng pháo đài, lô cốt thời Nguyễn - NV) Tượng Đầu, vua sai Phan Tiến Hoàng và lưu thủ Nguyễn Văn Toản đem quân đi đánh dẹp.

Đầu năm 1808, Phan Tiến Hoàng tiến đánh Man nhân, vua lại sai Lê Văn Duyệt đem quân vào Quảng Ngãi đốc tiễu. Vua bảo rằng, ác Man quấy phá không thể không đánh, nhưng vì địa thế hiểm trở, đường lối hiểm dốc không thể đánh phá ngay được, không đánh mà khuất phục được Man nhân mới là thượng sách. Đến nơi, Lê Văn Duyệt mật sai Vệ úy Lê Văn Từ và Phó vệ úy Lê Kim Nhượng giả làm dư đảng Tây Sơn lẻn vào ở với Man nhân dò hỏi tình hình.

Man nhân nói với Từ rằng vì Phó quản cơ Lê Quốc Huy hà khắc sách nhiễu, khổ quá nên họ mới họp nhau làm phản. Lê Văn Từ đem tin về báo, Lê Văn Duyệt xử Quốc Huy theo quân pháp, tâu xin chém, sau đó nhiều Man nhân về hàng. Tháng 4 AL năm 1808, vua cho triệu Lê Văn Duyệt về kinh vì giặc ở Bắc thành phiến động, muốn ông mang đại binh đi đánh dẹp. Lê Văn Duyệt tâu rằng giặc Man mới bình xong, cần lưu lại một tháng để chia đặt đồn bảo, xong việc mới về. Phan Tiến Hoàng lưu lại, đến tháng 3 AL năm 1809 họ Phan được hành chức Lưu thủ Quảng Ngãi.

Bấy giờ, Man nhân ở Quảng Ngãi trở thành món hàng hóa mua bán làm nô dịch cho người Việt, vua biết chuyện phạt đánh roi những kẻ chủ mưu, thả Man nhân về, ra lệnh cấm, về sau nếu ai trái lệnh sẽ thành tội đồ.

Tháng 4 AL năm 1809, quan tài Duệ tông Hiếu Định hoàng đế (tức Định vương Nguyễn Phúc Thuần) được đưa từ Gia Định về tới Quảng Nam, vua thân hành đi đón, sai Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng… lưu giữ kinh thành. Đến tháng 8 AL, Lê Văn Duyệt bị Tham luận Tả quân Phan Văn Tải tố cáo thiết lập bảo và kho, ngầm chiêu dụ hào kiệt ở Bắc thành và thường cùng Lê Chất bàn chuyện kín nghi có mưu phản. Hình bộ xét lại, Tải không chứng minh được, bèn phải tội chết.

Cuối năm 1810, Man nhân ở Quảng Ngãi lẻn xuống Đồng Quán cướp bảo Giang Ngạn. Thủ ngự Lê Văn Hội đem hết quân ra chống cự, bị giết. Quân Man lại tràn xuống thôn Bồ Đề (huyện Chương Nghĩa) cướp, giết dân Việt, Phan Tiến Hoàng chia quân đuổi bắt nhưng thất bại. Vua sai truyền dụ khiển trách, rằng: “Trước kia Lê Văn Duyệt ở đấy người Man không dám phạm tới, là vì có phòng bị. Nay trong khoảng tuần nhật mà quân Man hai lần phạm vào bờ cõi, thế chẳng phải vì phòng ngự sơ sài sao? Từ nay nên gia ý nghiêm phòng, đừng để cho chúng nhân sơ hở làm hại dân ta” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.810).

Tháng 6 AL năm 1812, Lê Văn Duyệt tâu: “Sáu cơ Kiên ở Quảng Ngãi phòng ngự bọn ác Man chia giữ nhiều ngả, xin lấy các xã thôn ven núi ở ba huyện, tùy đất liền nhau mà đặt làm 27 xóm” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.841), vua theo lời. Rồi vua xét thấy “đường núi hiểm vắng, rừng xanh rậm kín, bọn ác Man thường thường nhân đó mà rình nấp”, bèn sai Phan Tiến Hoàng đem 300 dân xóm đi nhổ cây mở đường để tiện cho quan quân tiến đi khi hành quân.

Một tháng sau, vua cho triệu Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhân về kinh, thay bằng Lê Văn Duyệt, cử Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, “khiến hơn 3.000 người thuộc quân Thần sách ở Thanh Nghệ cùng Ngũ quân và Tượng quân ở Bắc thành theo đi thú ở Gia Định” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.843). Lê Văn Duyệt nhận nhiệm vụ lên đường, làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ nhất.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.