Chiều qua 7.12, CNN đưa tin đại diện liên minh quân sự đối lập, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, thông báo đang tiến hành chiến dịch bao vây thủ đô Damascus của Syria. Thông báo khẳng định "giai đoạn cuối" của chiến dịch bao vây Damascus đã bắt đầu, nhưng thông tin này chưa thể kiểm chứng. Trước đó, Reuters đưa tin các lực lượng quân sự đối lập ngày 7.12 tấn công chớp nhoáng áp sát thành phố Homs ở khu vực trung tâm Syria.
Chính thể lung lay
Kể từ khi các phe đối lập chiếm được thành phố Aleppo vào ngày 30.11 thì năng lực phòng thủ của quân chính phủ dần sụp đổ trên khắp Syria. Bên cạnh việc chiếm được Aleppo ở phía bắc, Hama ở khu vực trung tâm và Deir al-Zor ở phía đông, các lực lượng đối lập dần kiểm soát một số khu vực khác ở phía nam Syria. Ở phía ngược lại, quân đội Syria cho biết đang không kích xung quanh Hama và Homs, đồng thời tăng cường phản kích tại những mặt trận này. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời giới chức phương Tây cho rằng quân đội Syria đang rơi vào tình huống khó khăn, không thể ngăn chặn lực lượng đối lập.
Những ngày qua, Iran cùng lực lượng thân thiết là Hezbollah ở Li Băng, vốn là những đồng minh với chính thể của ông al-Assad, đang đối mặt không ít khó khăn do sức ép từ Israel. Mặt khác, Nga - một đồng minh quan trọng khác của chính phủ Syria - cũng đang phải dồn lực cho chiến trường Ukraine. Thời gian qua, nhiều dấu hiệu cho thấy Moscow đã điều phối sức mạnh quân sự từ Syria sang Ukraine.
Vì thế, sự hỗ trợ của Iran lẫn Nga dành cho Syria gặp nhiều hạn chế. Cho nên, tình hình hiện tại đồng nghĩa với việc chính phủ của ông al-Assad đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau một thời gian tạm yên ổn.
Ảnh hưởng nhiều bên
Nếu chính phủ của Tổng thống al-Assad ngày càng mất quyền kiểm soát ở nhiều khu vực hơn thì lực lượng Hezbollah ở Li Băng cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Lâu nay, Syria được cho là hành lang chiến lược để Iran chuyển vũ khí cho Hezbollah.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu mất đi hành lang chiến lược này, Hezbollah sẽ càng bị Israel ép thế giữa lúc hai bên mới đạt được một lệnh ngừng bắn được cho là khá mong manh. Không những vậy, khi Damascus ngày càng thất thế thì sẽ là cơ hội lớn để Tel Aviv có thể tiến hành các cuộc tập kích vào một số lực lượng quân sự ở Syria vốn ủng hộ Hamas và Hezbollah. Đồng thời, ảnh hưởng của Tehran ở khu vực sẽ ngày càng giảm đi, cán cân quyền lực giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghiêng về phía Ankara ngày càng nhiều hơn.
Xa hơn, nếu không thể bảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad, Nga cũng bị giảm ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Đông và Bắc Phi, thậm chí có thể đối mặt tác động tiêu cực trên bàn đàm phán về xung đột Ukraine.
Mặt khác, nếu bất ổn ở Syria tiếp tục dâng cao thì các nước châu Âu một lần nữa phải đối mặt với làn sóng người tị nạn từ Syria vốn từng xảy ra từ khoảng 10 năm trước.
Các lực lượng chủ chốt ở Syria
Thứ nhất là quân đội chính phủ và một số nhóm bán vũ trang thân thiết với Tổng thống al-Assad, đồng thời chính phủ còn có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lực lượng Hezbollah ở Li Băng.
Thứ hai là Mặt trận Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd điều khiển dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Thứ ba là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây là Mặt trận Nusra) từng là một nhánh của al-Qaeda và hiện bị nhiều nước như Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Nhưng một số nguồn tin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có các kênh giao tiếp với HTS.
Thứ tư là "Quân đội Quốc gia" Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cùng một số nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)