Trầy trật kết duyên voi
Trời tờ mờ sáng, sương mù còn giăng phủ trên mặt hồ Lắk mênh mông, cả hai nài voi Ma Khang và Ma Ngớ ở buôn Lê đã thức dậy, đi bộ băng qua mé hồ cùng mấy quả đồi để dắt voi về chuẩn bị cho một ngày trực chở khách du lịch. Đêm qua, voi cái H’Khun và voi đực Y Măm được xích trong một khoảnh rừng nhiều cỏ tranh, lau lách, cách nhà chừng 5 cây số. Thường thì voi được cột xa nhau, mỗi con ăn một khoảnh riêng mới đủ thức ăn, nhưng hai voi này được cho ở gần nhau theo ý chủ chúng là ông Đàng Năng Long, ở thị trấn Liên Sơn, H.Lắk.
Ma Khang bảo: “Cặp voi này được xem là “vợ chồng” hơn một năm nay rồi, đi đâu chúng cũng quấn quýt bên nhau, không rời nhau dù chỉ một ngày”. Nghe chúng tôi hỏi đùa “hai voi ở chung lâu vậy mà chưa thấy “voi bé” đâu”, Ma Khang cười thật thà: “Mình cũng không biết nữa, nhiều lần dắt từ rừng về thấy trên lưng H’Khun có dấu chân Y Măm, nhưng chờ mấy tháng sau vẫn không có dấu hiệu gì cả”...
|
Chuyện ghép voi cũng được thực hiện phía bên kia hồ Lắk, ở buôn Chuôr, xã Yang Tao, gần chân núi Chư Yang Sin. Nơi đây có dòng họ Uông người M’Nông trước kia nổi tiếng nuôi nhiều voi, nhưng giờ số voi chỉ đếm chưa đủ ngón một bàn tay. Ông Y Thanh Uông là người dòng họ này hiện nuôi một voi cái hơn 40 tuổi, tên Bắk Khăm.
Gặp Y Thanh, nghe ông kể chuyện mới thấy nỗi trăn trở của người nuôi voi khi thấy đàn voi nhà ngày càng lão hóa. “Cũng như người, voi lớn tuổi già đi, sức yếu nên cứ chết dần, với đà này thì chẳng bao lâu trong vùng không còn voi nữa. Mình nói điều này ai cũng đồng tình, nhưng thật lạ là khi đề nghị cho voi Bắk Khăm của mình cặp với voi đực để sinh đẻ thì nhiều chủ voi đực đều lảng tránh”, Y Thanh ấm ức thổ lộ. Thế rồi, một ngày nọ gặp ông Đàng Năng Long trong một đám cưới, Y Thanh vui chuyện bày tỏ ý định muốn cho voi Bắk Khăm đẻ, ông Long cười khà, đồng ý cho mượn con voi đực Y Chum để cùng tác hợp.
Nhưng thực tế lại không dễ dàng như suy tính của những chủ voi. Hôm sau, hai voi Bắk Khăm và Y Chum được cho gặp nhau trong một khu đồi vắng. Oái oăm thay, ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, hai “anh chị” này lại gườm gườm nhìn nhau, bị xích gần nhau nhưng mỗi voi cứ dạt ra một hướng. “Gần hai chục ngày liên tục cột voi chung chỗ, mình cùng người em cơm đùm gạo bới, ban đêm cũng ở lại giữa rừng theo dõi mà chẳng thấy cặp đôi này làm thân nhau. Hóa ra kết duyên cho voi có khi còn khó hơn con người”, Y Thanh hóm hỉnh kể.
|
Từ những chuyện ghép đôi voi bên bờ hồ Lắk, tiếng đồn “voi có chửa” lan ra. Nghe chuyện, ông Đàng Năng Long cười xác nhận: “Ban đầu mình cũng mừng vì tưởng voi có thai thật. Nhưng sau một thời gian mới thấy khi ở gần voi đực, voi cái có biểu hiện khác thường như vú nở, bụng to, mông lớn lên. Té ra voi chửa giả, chỉ nở nang, thay đổi bề ngoài, kiểu như dân gian ví... gái phải hơi trai!”.
Vượt qua luật tục
Ghép đôi cho voi sinh sản không phải chuyện tình cờ, thích là làm của người nuôi voi. Ông Đàng Năng Long, người sở hữu đàn voi kỷ lục đến 9 con, cho rằng đó là câu chuyện dài vượt qua luật tục, quan niệm của đồng bào dân tộc có truyền thống nuôi voi. Thoạt đầu, nghe ông Long cho voi đực voi cái “ăn ở” với nhau, một người chú trong dòng họ phản đối: “Ngày xưa, ba mày là người nuôi voi nổi tiếng (ông Đàng Nhảy - NV) cũng chưa dám cho voi đẻ mà mày tự ý làm chuyện này, coi chừng thần linh bắt tội”. Nhưng theo giải thích của ông Long, việc kiêng kỵ, ngăn cấm voi nhà đẻ trước đây xuất phát từ sự lo ngại rủi ro xảy ra trong quá trình voi chung đụng, mang thai. Một khi voi đực, voi cái mến nhau, xảy ra giao phối thì người chủ rất khó điều khiển, quản lý chúng; chưa kể voi gây thương tích cho nhau thì chủ voi bị phạt vạ nhiêu khê vô cùng. Người ta cũng tính toán voi cái đẻ sẽ mất thời gian dưỡng thai, nuôi con nhỏ đến 4-5 năm, không giúp được gia chủ chuyên chở nông sản, kéo gỗ... Do đó, cho voi nhà đẻ không hiệu quả kinh tế bằng việc bắt voi rừng về thuần dưỡng, phục vụ con người.
|
Theo ông Long, ấy vậy mà ngày trước, voi nhà lại đẻ sòn sòn, chỉ vì chúng được thả rông, gặp nhau dễ dàng ngoài rừng. Trong khi bây giờ chủ voi chủ động khuyến khích, tác hợp cho chúng nhưng vẫn không ăn thua. Trong đàn voi của ông Long, cùng với cặp voi H’Khun - Y Măm, còn có hai cặp khác được ghép là Banh Nang - Y Chum và H’Túk - Thông Răng. Ông Long kể, voi Y Măm 33 tuổi, con cái H’Khun 45 tuổi, rất hợp nhau, có giao phối nhưng không “đậu quả”, có lẽ do H’Khun đã lớn tuổi. Voi đực Y Chum 60 tuổi, cặp với con cái Banh Nang 33 tuổi, nhưng lại không hề giao phối, mặc dù luôn quyến luyến nhau. Còn cặp H’Túk 27 tuổi, ghép với Thông Răng 30 tuổi, được nhiều người thấy giao phối hai lần nhưng dấu hiệu của voi cái H’Túk cũng như voi H’Khun, lại là “chửa giả”.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi voi nhưng ông Long cho mình vẫn chưa hiểu hết voi, nhất là trong đời sống sinh sản của chúng. “Tôi nghĩ, đàn voi hiện đều trên tuổi 20, nhiều con 40 - 50, trong khi voi 9 tuổi đã bắt đầu động dục. Có lẽ do thời gian dài “nhịn” quá lâu nên voi mất đi bản năng tính giao. Có những con voi đực trông khỏe mạnh, “đàn ông” thực thụ, như con Khăm Sen 30 tuổi, nhưng khi gặp voi cái thì không tơ màng, phản ứng gì”, ông Long lý giải.
Voi cần môi trường hoang dã
Nỗi “ấm ức” trong việc cho voi kết đôi, sinh đẻ bất thành còn khiến ông Long trăn trở tìm những nguyên nhân khác. Ông cho rằng voi nhà sống trong môi trường gần gũi con người, không còn chất hoang dã nên đã yếu đi nhiều về thể chất. Cũng có thể do nguồn thức ăn cho voi trong tự nhiên, trong đó có những cây thuốc có tính kích thích “quý ông”, nay đã không còn. Trước kia, voi thả rông, ăn được hàng trăm loại cây, củ, quả, rễ trong các khu rừng rậm rạp, còn bây giờ, thực phẩm cho voi rất đơn điệu, chỉ có cỏ, lá le, hoặc được chủ cho thêm ít mía, gạo. Mặt khác, do bị thuần phục, nuôi dưỡng lâu ngày theo kiểu “chay tịnh” nên voi nhà động dục không còn rõ nét và “chất lượng” như xưa nữa. Ngày trước, mùa động dục của voi kéo dài nửa tháng vẫn chưa hết, voi trở nên hung dữ, không ai dám đến gần; giờ thì voi chỉ có biểu hiện động dục vài ba ngày là “yếu xìu”, lại hiền hơn trước...
Cả ông Đàng Năng Long và Y Thanh Uông đều cho rằng muốn tạo cơ hội sinh sản cho voi nhà phải có không gian thoải mái để voi hoạt động, tìm hiểu, kết giao với nhau, chứ không thể gò bó trong sự sắp xếp của con người. Tuy nhiên, những địa bàn thích hợp đó chỉ có thể ở rừng nguyên sinh Nam Ka, cách nhà các chủ voi ở H.Lắk đến 20 km. Ông Long tỏ ra ngại ngần khi tính chuyện mạo hiểm thả voi tự do tận vùng xa như thế, trong khi thông tin về những vụ săn trộm voi rừng, chém voi nhà để lấy ngà, lấy lông đuôi thời gian qua vẫn còn khiến ông rùng mình.
Chưa chủ voi nào được nhận tiền hỗ trợ Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết sau khi nghe phản ảnh về hai voi cái ở H.Lắk và một voi cái ở H.Buôn Đôn có thai, trung tâm đã mượn máy siêu âm ở Trường ĐH Tây Nguyên, chuyên dùng cho trâu, bò, để siêu âm thử cho voi nhưng không thấy kết quả, có lẽ do da voi quá dày, hoặc đúng là “chửa giả”. Theo ông Luân, thực hiện chính sách bảo tồn voi vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, nếu voi cái có thai thì chủ voi sẽ được cấp tiền ngay; tổng cộng ngân sách chi cho người nuôi voi nếu có voi đẻ lên tới 600 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay ở Đắk Lắk chưa có trường hợp chủ voi nào nhận được khoản tiền này. |
Trần Ngọc Quyền
>> Con voi cuối cùng tại rừng phòng hộ Tân Phú đã chết
>> Bảy con voi vào phá nhà dân
>> Một con voi nhà bị chém trọng thương
>> Hai con voi bị chặt trộm đuôi
>> 7 con voi dữ quậy phá
Bình luận (0)