Vào đầu tháng 5, vở Những giấc mơ lóng lánh (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng) đã ra mắt ở Nhà hát sân khấu nhỏ 5B (TP.HCM), là kịch bản mới đầu tiên của sân khấu này sau khi tái hoạt động trở lại. Mới đây, Nhà hát kịch TP.HCM cũng ra mắt vở mới 18 tuổi, vừa khởi diễn vào tối 29.9. Cặp đôi tác giả Tùng Phi và đạo diễn Thái Kim Tùng lại một lần nữa kết hợp cùng nhau trong một tác phẩm tâm lý xã hội nói về những vấn đề cần quan tâm của tuổi mới lớn.
* Tùng Phi viết 18 tuổi xuất phát từ ý tưởng thế nào? Anh đặt mục tiêu chuyển tải điều gì qua tác phẩm này?
- Tác giả Tùng Phi:Tôi vô tình nhìn thấy hình ảnh một người cha làm nghề sửa giày rất bình dị trên vỉa hè có đứa con gái ở tuổi mới lớn vô cùng xinh đẹp và sành điệu, hình ảnh đó tạo cho tôi nhiều suy nghĩ, ánh mắt của người cha có vài khoảnh khắc cho tôi nhiều cảm xúc, ý tưởng ra đời cho kịch bản 18 tuổi là như vậy.
Những bạn trẻ thì thường có nhiều quyết định sai, chuyện đó không sao hết, vì quan trọng hơn là sau đó các bạn biết là mình phải làm gì để tốt hơn. Còn về bậc cha mẹ, trong những cơn lốc ảo vọng của xã hội ngày nay, không thể chủ quan mà phải cập nhật thông tin, nhìn thấy rõ bản chất của những cám dỗ có thể tác động đến con mình, biết cách giúp con mình vượt qua những cám dỗ đó. Điều tôi muốn chuyển tải cũng không mới mẻ gì so với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, tôi chỉ làm sinh động, hấp dẫn nhất điều tôi muốn nói: “Không ai đúng hay sai, chỉ cần nhận biết được giá trị của tình thân, gia đình là nơi vững vàng nhất cho chúng ta trưởng thành”.
*Điều gì trong tác phẩm 18 tuổi sau khi đã được dựng thành tác phẩm hoàn chỉnh khiến anh thấy thích nhất? Vì sao?
- Sau khi được dàn dựng 18 tuổi trở thành một tác phẩm rất sống động, điều tôi bất ngờ nhất là khả năng nhập vai của các diễn viên Nhà hát kịch TP.HCM. Vì tôi biết bây giờ thời gian dành cho việc tập một vở sân khấu thì không có quá nhiều, nhưng các diễn viên vào vai khá tốt, lực diễn đồng đều, tạo nên sự thu hút cho tác phẩm.
* Trong thời gian gần đây, Tùng Phi và Thái Kim Tùng đã hợp tác cùng nhau trong 2 tác phẩm, "mối duyên" này là trùng hợp hay hai anh cố tình kết hợp với nhau? Sau hai tác phẩm, hai người có cảm thấy "ăn rơ" với nhau? Sắp tới hai anh có dự định hợp tác nào mới?
- Tôi và đạo diễn Thái Kim Tùng là hai anh em rất thân tình, có nhiều chia sẻ và tâm tình với nhau về nghề. “Mối duyên” này không gọi là trùng hợp vì anh em tôi đã biết và quý nhau từ trước, mà cũng không phải là cố tình kết hợp, tôi nghĩ chắc có lẽ quan điểm và sự đồng cảm trong những vấn đề của hai anh em tôi khá gần nhau. Chuyện đó giống như là sự “bắt gặp” trong hành trình của mỗi người. Và chuyện tìm đến nhau để học hỏi, để tốt hơn và thăng hoa hơn thì rất tự nhiên.
Sau hai tác phẩm, chúng tôi có một mối quan hệ theo tôi nghĩ là trên cả “ăn-rơ”, vì đơn giản giữa tôi và Thái Kim Tùng luôn tin nhau, có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì một cách rất thẳng thắn dù đó có thể là những bí mật. Dự định hợp tác tiếp theo giữa tôi và Thái Kim Tùng thì chưa có vì tôi viết kịch bản rất chậm, thường trung bình 1 năm tôi chỉ viết được 1 kịch bản sân khấu, và bây giờ thì tất cả các kịch bản mà tôi sáng tác trong 8 năm qua đã “chào đời” hết sạch.
* Các kịch bản gần đây của Tùng Phi thường thiên về tính vui vẻ, tâm lý nhẹ nhàng, đây có phải là khuynh hướng sáng tác để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay? Sắp tới anh có dự định sáng tác những tác phẩm mang tính thời đại, triết lý sâu xa hơn không?
- Tôi cũng chưa nghĩ nhiều về khuynh hướng sáng tác của mình, những tác phẩm của tôi ra đời là những câu chuyện mà tôi có nhiều cảm xúc nhất với nó, tôi viết để thỏa mãn cảm xúc của mình trước. Tôi không đóng khung cho mình vì tôi thích khám phá những đề tài khác nhau. Riêng về kỹ thuật viết thì tôi luôn ý thức xây dựng cho tác phẩm có sự cân bằng giữa yếu tố Nghệ thuật và yếu tố Giải trí.
Tôi thấy mình khá linh hoạt trong việc tiếp cận và hiểu khán giả thời nay, không chiều theo thị hiếu chung nhưng vẫn có thể làm cho khán giả bị lôi cuốn và muốn khám phá. Tôi nghĩ, phản ánh những vấn đề thời sự không thể thiếu trong tác phẩm nhưng tác phẩm đó sẽ có tuổi thọ và phạm vị nhất định. Tôi nghĩ cả Sân khấu và Điện ảnh trong thời điểm này đang rất cần những tác phẩm mang hơi thở của thời đại, và tất cả phải bắt đầu từ kịch bản, từ lực lượng biên kịch.
* Anh nhận định thế nào về tình hình sân khấu kịch nói hiện nay? Các sân khấu đều than không còn thu hút khán giả nhiều như trước đây, theo anh, yếu tố nào dẫn đến điều này? Kịch bản đóng vai trò thế nào trong việc quyết định sự thu hút khán giả hiện nay? Ngoài ra, sân khấu kịch cần những yếu tố nào để phát triển tốt hơn?
- Tình hình chung là sân khấu ế ẩm, có sân khấu phải đóng cửa, nhưng… có những sân khấu vẫn sáng đèn ổn định, vẫn ăn nên làm ra. Vậy câu trả lời đã quá rõ, khán giả không bỏ sân khấu, mà chỉ là ở cách quản lý và cách làm. Tôi nghĩ nên ngừng than vãn mà phải nhìn thấy cần thay đổi thế nào cho phù hợp với khán giả ngày nay. Kịch bản chỉ là một phần trong chiến lược đáp ứng cho cái “gu” riêng của mỗi sân khấu, sự tác động của kịch bản trực tiếp vào khán giả luôn đến sau mọi thứ. Rất ít khán giả đến rạp vì quan tâm đến nội dung, khán giả ngày nay tìm đến với sân khấu luôn chọn người nghệ sĩ mà mình yêu thích, chọn “gu”của sân khấu đó, sau cùng mới biết mình đang xem câu chuyện gì.
Theo tôi, chúng ta cần có những kế hoạch thay đổi dần dần nhận thức của khán giả, chuẩn bị cho sân khấu những lực lượng khán giả kế cận, đó cũng là cách để sân khấu hồi sinh và phát triển. Còn chuyện đầu tư vào cơ sở vật chất và con người, tất cả phải đồng bộ, có chiến lược và tầm nhìn, nghe quá quen thuộc và hình như… chuyện này ai cũng biết hết rồi thì phải!?
*Xin cám ơn anh!
Bình luận (0)