Theo đánh giá của giới khoa học công nghệ toàn cầu, một trong những công nghệ vắc xin đột phá trong đại dịch Covid-19 là vắc xin mRNA do Pfizer-BioNtech và Moderna phát triển.
“Cha đẻ” của công nghệ này chính là TS Katalin Kariko, GS thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania (Mỹ), đồng thời là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech.
GS Kariko sinh ngày 17.1.1955. Bà lớn lên ở Kisújszállás, một thành phổ nhỏ nằm ở trung tâm của Hungary. Sau khi lấy bằng TS tại ĐH Szeged, Kariko tiếp tục nghiên cứu và làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Hóa sinh, Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của Hungary đặt tại thành phố Szeged trước khi sang Mỹ.
GS Katalin Kariko (ngoài cùng bên trái) tại toạ đàm "Tương lai của sức khoẻ toàn cầu" do Quỹ VinFuture tổ chức chiều 19.1 |
Thanh Lâm |
Với những đóng góp của bà cho công nghệ mRNA phòng chống Covid-19, bà được đề cử xét giải thưởng VinFuture mùa xét giải đầu tiên của Quỹ VinFuture (quỹ do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập).
Bà cũng là một trong số những nhà khoa học xuất sắc nhất trong số hơn 600 tác giả của các công trình được đề cử mà Quỹ VinFuture mời sang dự sự kiện trao giải thưởng.
Một điều thú vị ngẫu nhiên, thời điểm lần đầu GS Kariko bước chân lên đất nước Việt Nam là sáng 17.1, đúng ngày kỷ niệm lần sinh nhật thứ 67 của bà.
Bánh sinh nhật bà Kariko do các bạn học cũ của bà là người Việt Nam đặt mua |
NVCC |
Chiều 17.1, chia sẻ với báo giới Việt Nam, GS Kariko cho biết: “Trong những năm 1970, khi còn học ở ĐH Szeged, tôi có 2 người bạn VN sang Hung du học. Họ rất thân thiết với tôi, đã đến nhà tôi chơi, thăm bố mẹ tôi, làm một số món ăn VN (như nem chẳng hạn) cho chúng tôi thưởng thức. Các bạn ấy không có điều kiện để mời cả gia đình chúng tôi đến Việt Nam nên việc tôi có cơ hội sang đây khiến chúng tôi rất vui.
Qua những người bạn ấy, tôi hiểu thêm nhiều về Việt Nam. Họ sang Hung thì phải học tiếng 1 năm và sau là học chuyên ngành. Họ khiến tôi rất khâm phục vì nghĩ nếu là mình, mình phải học 1 năm tiếng nước ngoài rồi mới được học đại học thì không biết sẽ phải làm thế nào!”.
Bà Kariko với 2 người bạn Việt Nam, là bạn học cũ khi họ sang Hungary du học |
NVCC |
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng biên tập tạp chí Nhịp cầu thế giới, một tạp chí tiếng Việt ở Hungary, cho biết GS Kariko không chỉ sang Việt Nam một mình mà đi cùng con gái - Francia Zsuzsanna (tên Mỹ là Francia Susan). Zsuzsanna là một vận động viên 2 lần vô địch thế vận môn chèo thuyền.
“Hồi chưa mấy ai biết tới bà Kati, thì người Mỹ đã biết đến Zsuzsanna rồi”, ông Linh nói.
Ông Linh cũng cho biết, GS Kariko còn phấn khởi kể với ông là mình được tổ chức một sinh nhật “rất trọng thể” mà “đạo diễn” là các bạn học cũ người Việt Nam. Bà Kariko còn gửi từ Hà Nội cho ông Linh những bức ảnh “thời sự nóng hổi”, ghi lại những khoảnh khắc gặp mặt của bà với các bạn cũ, kèm theo bình luận của bà: “Các bạn Việt Nam rất thân thiện".
Mẹ của bà Kariko từng ước mơ con gái được giải Nobel
Ông Linh nói: “Hôm ấy tôi cũng nói vui với bà Kariko, bà đã được Nobel của Hung, giờ có thể sắp được Nobel của Việt Nam (hàm chỉ giải VinFuture - PV), vậy chỉ còn Nobel Thụy Điển nữa thôi. Bà rất vui, bảo để chờ xem”.
Ông Linh cho biết, từ hơn 1 năm nay, nhiều người nhắc đến bà Karikó Katalin như một ứng viên sáng giá cho giải Nobel, nhưng bà tuyên bố rằng bà không nghĩ tới điều đó, và không tính tới bất cứ điều gì. Nhưng bà cũng kể với ông một kỷ niệm vui vui, có "liên quan" tới giải Nobel, mà người mẹ quá cố của bà là “nhân vật chính” (cụ mất tháng 10.2018, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện một năm).
Bà Kariko với bó hoa các bạn cũ người Việt Nam tặng bà nhân sinh nhật lần thứ 67 |
NVCC |
Ấy là thời nhỏ, khi còn sống tại Kisújszállás, một thành phố nhỏ của Hung, cứ đến tháng 10 là mẹ của bà lại nghe đài xem ai được nhận giải Nobel, và luôn bảo “một ngày nào đó, có thể là cô nữ sinh nhỏ của mẹ sẽ được phần thưởng này”. Câu trả lời của bà luôn là, “mẹ, đến một học bổng con còn không có được chứ đừng nói đến giải Nobel!”.
Chia sẻ với báo chí Việt Nam chiều 17.1, bà Kariko cũng cho biết bà làm việc không vì giải thưởng hay vì mơ ước có được danh tiếng.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người hùng, mà tất cả đồng nghiệp của tôi - những người đang cố gắng chống covid mọi nơi mới là những người hùng thực sự. Trong quá trình quyết tâm làm vắc xin, thứ duy nhất tôi nghĩ là làm vắc xin cho những con người đó - những người hùng thực sự”, bà Kariko nói.
Bình luận (0)