Tác giả 'Mẹ chồng': Không chạnh lòng khi Thanh Hằng được nhắc đến nhiều hơn

04/01/2022 08:04 GMT+7

Việc hơn 3.000 bản tiểu thuyết Mẹ chồng được bán ra là một điểm sáng trong hoạt động phát hành sách ở thời điểm khó khăn vì dịch bệnh. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tác giả Kim về thành công của quyển sách này.

Tác giả Kim hạnh phúc vì Mẹ chồng được khán giả yêu thích

NVCC

Mẹ chồng - trải nghiệm thú vị

* Xin chào tác giả Kim, có thể nói, với Mẹ chồng chị đã khai mở một lối đi mới mà ở đó sự ngược dòng là sự khác biệt đáng chú ý. Vì sao chị lại chọn bộ phim của Thanh Hằng cho hướng đi này?

- Biên kịch - nhà văn Kim: Có lẽ là vì cơ duyên. Đây là kịch bản điện ảnh mà nhiều người chia sẻ với tôi, nó có chất văn học, chất liệu và hàm lượng câu chuyện hoàn toàn có thể khai thác cho tiểu thuyết. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại là ý định nếu không có một cơ duyên, một tác động mạnh mẽ từ diễn viên, siêu mẫu Thanh Hằng (người thủ vai Ba Trân trong phim Mẹ chồng).

Một ngày đầu tháng 6.2021, tôi nhận được điện thoại từ đại diện nhà sản xuất Live On chuyển ý của Hằng. Theo đó, cô ấy muốn nhờ biên kịch chúng tôi tái sinh Ba Trân và câu chuyện trong phim ở một không gian mới - không gian văn học. Chính xác là cô ấy muốn chúng tôi chuyển thể kịch bản thành tiểu thuyết. Tôi không bất ngờ khi Thanh Hằng có chủ ý này vì Hằng luôn đau đáu với nhân vật Ba Trân và bộ phim. Có thể nói, Ba Trân chính là vai diễn lấy đi nhiều tâm sức của Hằng. Nhưng tôi xúc động vì phim đã chiếu 4 năm mà Hằng vẫn giữ những nỗi niềm dành cho Mẹ chồng và muốn tái sinh tác phẩm dưới diện mạo mới.

Quả thực, đây là một lối đi ngược dòng, mới mẻ và là trải nghiệm vô cùng thú vị với người viết như tôi. Từ trước đến nay, người ta chỉ chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh, còn nay Mẹ chồng lại làm điều ngược lại. Tôi thích sự mới mẻ và “ngược ngạo” này. Cơ duyên này đã đem đến cho tôi món quà vô cùng tuyệt vời và thú vị như thế.

Biên kịch Kim cho biết Thanh Hằng dành rất nhiều tình cảm cho nhân vật Ba Trân và tác phẩm này

NVCC

* Chị có thể cho biết thêm về vai trò của siêu mẫu Thanh Hằng trong tác phẩm này?

- Như tôi đã chia sẻ, Hằng là người có chủ ý, mong muốn tạo thêm không gian văn học cho bộ phim, cho Ba Trân, mong muốn đem đến một Mẹ chồng, một Ba Trân tròn vẹn hơn. Điều mà tác phẩm điện ảnh vì những bó buộc về thời lượng cũng như các điều kiện khác đã không thỏa mãn được.

Hằng không viết cuốn sách này nhưng Hằng đưa ra mong muốn cũng như quyết định concept cho dự án. Từ hình thức, diện mạo cho đến cách để cuốn sách tiếp cận độc giả và cả việc thực hiện phiên bản sách nói như thế nào, đều từ chủ ý của Hằng. Ngoài ra, cô ấy còn có những tương tác cảm xúc trong quá trình sáng tạo của tôi. Như cách mà cô ấy chia sẻ với tôi: "Em biết chị thương nhân vật nên bảo bọc, thậm chí tôn thờ nhân vật. Điều đó rất quý nhưng em muốn mọi người đến gần nhân vật hơn và thương nhân vật hơn, hay là chị “thả” nhân vật của mình ra một chút cho mọi người cùng thương nhân vật với mình".

Tôi rất cảm kích về chia sẻ này, tôi thấy Hằng biết cách thương nhân vật một cách hài hòa hơn, tích cực hơn. Điều này tôi ghi nhận trong quá trình sáng tạo để đem lại một Ba Trân tròn vẹn, nhiều tâm tư giãi bày hơn trong phiên bản văn học. Tóm lại, Thanh Hằng là người truyền cảm hứng, cảm xúc và là một người đỡ đầu hoàn hảo cho quyển tiểu thuyết.

* Từ lúc sách ra mắt đến nay, truyền thông nhắc đến Mẹ chồng phần nhiều cũng chỉ nhắc đến Thanh Hằng, chị có chạnh lòng trước điều này?

- Thật ra thì không chỉ đến dự án này mà hầu hết các dự án điện ảnh gây được tiếng vang trước đây như Lô tô hay Hạnh phúc của mẹ… tôi đều ẩn mình như vậy. Vì đó là lựa chọn của tôi. Chúng tôi chỉ phụng sự nghiệp viết và hạnh phúc khi được viết, hạnh phúc khi được kể những câu chuyện có thể chạm được trái tim mọi người. Tính tôi khá lặng lẽ và rụt rè, tôi rất sợ xuất hiện trước đám đông nên cũng tự ẩn mình đi. Tôi chỉ mong tác phẩm - "những đứa con" của tôi có thể được đón nhận và yêu mến. Với tác phẩm, tôi như người mẹ quê, chỉ âm thầm, cặm cụi nuôi dạy con khôn lớn và mong đến ngày con mình được rạng danh, được yêu mến là tôi đủ hạnh phúc rồi. Ở dự án này, tôi không có gì chạnh lòng cả, thậm chí tôi rất cảm ơn Thanh Hằng vì tất cả những điều cô ấy đã làm - đỡ đầu cho "đứa con" của tôi.

Tiểu thuyết Mẹ chồng sẽ mở ra nhiều góc nhìn hơn cho khán giả so với bản điện ảnh

NVCC

* Có những số phận mang trong mình nhiều uẩn ức, tự va đập, trầy xước với cuộc đời để làm nên vỏ bọc mạnh mẽ nhưng cũng đầy thương tổn. Chị có thấy mình như vậy và chị có đang bày biện điều đó trong quyển sách này?

- Một hành trình sống để nhìn nhận lại mình, tôi thấy mình quả là có nhiều tổn thương. Có lẽ phần nhiều cũng vì sự nhạy cảm của bản thân chứ xét cho cùng cuộc đời cũng yêu tôi nhiều lắm. Tuy nhiên, khi sáng tạo, tôi không đem sự tổn thương của mình bày biện cho nhân vật, vì điều này dễ cạn và dễ một màu. Tôi dùng góc nhìn và sự thấu cảm của mình dành cho những người xung quanh để tạo dựng nhân vật. Ở Mẹ chồng là sự thấu cảm của tôi dành cho mẹ mình, cho bà mình và những phụ nữ cùng thời của họ. Thậm chí là cả sự thấu cảm dành cho bố tôi trong câu chuyện ấy. Có thể nói, cuộc đời làm dâu của mẹ tôi cũng khá sóng gió. Tôi thương mẹ nhưng không trách bà nội hay bà ngoại, càng lớn, ngắm nhìn lại câu chuyện của họ, tôi lại càng thấy thương họ hơn. Họ chỉ là nạn nhân của những định kiến và hệ tư tưởng. Và bố tôi, người đàn ông bị mắc kẹt giữa tình yêu và tư tưởng phụng sự như cha của Ba Trân mà tôi khắc họa trong tiểu thuyết.

Tôi vẫn thường hay phác họa về chân dung mình. Tôi chỉ là người ngồi lặng yên, lắng nghe để kể lại những câu chuyện. Tôi lắng nghe tất cả, những nỗi buồn, niềm vui, những lời than vãn và cả những hoan ca qua những niên đại. Tôi lục tìm cả những trầm tích và lắng nghe những câu chuyện ẩn mình trong ấy. Dĩ nhiên, có một điều phải thừa nhận rằng, tôi dễ cảm nhận được nỗi đau hơn là niềm vui.

Thanh Hằng từng tiết lộ cô sẽ nhờ nhà văn Kim hướng dẫn mình viết sách

NVCC

Tôi muốn làm đạo diễn

* Sau thành công này, liệu chị có dự định gì tiếp theo cho những tác phẩm điện ảnh cũng "rất chạm" của mình?

- Có lẽ Lô tô chính là điều tôi muốn tái sinh lại nhất. Thật ra, trước Mẹ chồng tôi đã từng nghĩ đến việc chuyển thể kịch bản Lô tô. Và một số người bạn bên xuất bản cũng ủng hộ điều này. Tuy nhiên, có lẽ vì tôi như kẻ lãng du, nếu không có sự tác động mạnh mẽ từ một cơ duyên nào đó, tôi cứ nhẩn nha với các ý định như vậy. Xét cho cùng mà nói Mẹ chồng thực hiện trước đôi khi cũng là điều hay. Khi tôi học được cách làm chuyên nghiệp trong việc kết hợp giữa việc sáng tác với các ý tưởng sáng tạo khác của một nền công nghiệp giải trí để đưa tác phẩm dưới diện mạo mới đến khán giả - độc giả một cách hiệu quả.

* Nếu nói rằng không gian địa lý của Mẹ chồng được xác định là vùng sông nước Nam bộ đặc trưng, nhưng không gian văn học có thể thấy vẫn không thoát ly những đặc trưng của văn học hiện thực trước năm 1945 của miền Bắc. Chị nghĩ sao về nhận định này?

- (Cười) Nếu vậy thì xem ra tôi thất bại với ý đồ tạo dựng một bầu khí quyển đặc trưng Nam bộ cho Mẹ chồng rồi. Nói vậy thôi, điều bạn nhận xét không phải không đúng. Bởi có thể thấy không gian mà tôi xây dựng là thuần chất Nam bộ nhưng trong bút pháp và hơi thở văn học vẫn có thể thấy sự ảnh hưởng của văn học hiện thực ở miền Bắc trước 1945. Điều này cũng không lạ lẫm khi tôi là người Bắc, đó là sự ảnh hưởng cố hữu, khó thoát ly. Tư duy và não trạng vùng đã hình thành nên bút pháp và hơi thở văn học ấy.

* Học báo, trở thành nhà báo rồi chuyển hướng sang học đạo diễn nhưng gắn bó và định danh như một tác giả kịch bản để rồi giờ đây là nhà văn? Đâu là giới hạn cuối cùng mà chị hướng đến?

- Thật khó để nói về giới hạn cuối cùng với một kẻ lãng du và thơ thẩn vẩn vơ, quá nhiều mộng ước như tôi. Nếu để so sánh thì tôi thấy mình giống như cơn gió, không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Ví như ngày xưa, lúc học cấp 3, tôi nuôi mộng học cảnh sát, nhưng năm tôi tốt nghiệp Đại học An ninh và Cảnh sát không tuyển nữ, tôi đành theo lựa chọn thứ hai là báo chí. Làm báo 12 năm, tôi bắt đầu thấy bản thân mình nhàm chán. Lúc đó, người bạn thân của tôi lại học đạo diễn, tôi đi xem báo cáo tốt nghiệp của các sinh viên bên trường bạn ấy và thấy rất thú vị. Bạn tôi rủ rê rồi tự mua hồ sơ để tôi thi đạo diễn, tôi tắc lưỡi đồng ý và rồi đi thi, rồi tốt nghiệp đạo diễn. Nhưng những cơ duyên viết kịch bản đưa tới nhiều hơn là cơ hội làm vai trò đạo diễn. Rồi tiếp tục lại là cơ duyên để tôi trở thành nhà văn - vai trò mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới dù nghề viết rất tiệm cận với vai trò này.

Tôi là người khá thụ động để tạo cơ hội, tôi chỉ chủ động nắm bắt cơ hội khi nó đến. Đó là làm tốt nhất công việc mà người ta tin tưởng giao cho mình. Nên tôi cứ đi thôi, như một cơn gió không biết đâu là giới hạn cuối cùng. Nếu có mục tiêu trước mắt cụ thể cho riêng mình, tôi nghĩ tôi muốn làm đạo diễn một bộ phim, nhỏ cũng được. Nhưng trong vai trò thuần chất là đạo diễn như chuyên môn tôi đã học.

* Cảm ơn những chia sẻ của biên kịch - nhà văn Kim!

Tác giả của tiểu thuyết chuyển thể từ phim điện ảnh Mẹ chồng có tên đầy đủ là Lương Kim Liên, sinh năm 1975 tại Thái Nguyên. Chị từng tốt nghiệp Học viện Báo chí tuyên truyền và có 12 năm làm báo tại nhiều tờ báo như Sài Gòn Giải Phóng, Giáo dục TP.HCM… Chị cũng là biên kịch cho các bộ phim nổi tiếng như Lô tô, Hạnh phúc của mẹ, Mẹ chồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.