|
Kết quả cuộc nghiên cứu do Quỹ giấc ngủ quốc gia Mỹ (National Sleep Foundation) thực hiện cho thấy có sự tác động rất lớn của giấc ngủ lên sức khỏe con người. Tiến sĩ Kristen Knutson, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Chicago (Mỹ) phát biểu: “Chúng tôi vẫn chưa thể tính toán thời gian một giấc ngủ hoàn hảo cho mỗi người là bao nhiêu, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 7 - 8 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi chất lượng được xem là tốt nhất”.
Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ gặp một số rắc rối sau:
Tuổi thọ. Các nhà khoa học xem xét 16 nghiên cứu về giấc ngủ và rút ra kết luận, những người ngủ nhiều hơn 8 hoặc ít hơn 7 tiếng một đêm có nguy cơ tử vong sớm đến 30%. Tuy nhiên, tiến sĩ Knutson cũng nêu lên ý kiến, mọi người không nên quá lo lắng về những ảnh hưởng của sức khỏe đối với việc ngủ quá nhiều. Trong nhiều trường hợp, những người ngủ trong thời gian dài thường đã tồn tại vấn đề sức khỏe từ trước hoặc một số người nghĩ là đang ngủ nhưng thực sự họ chỉ nằm trên giường nghỉ ngơi.
Viêm. Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ bị hạn chế có thể làm tăng sự hiện diện của các dấu hiệu viêm nhiễm. Theo Msn, viêm là yếu tố dễ dẫn đến nguy cơ bệnh tim và đột quỵ vì vậy có thể giải thích một phần tại sao giấc ngủ xấu có liên quan đến bệnh tim.
Bộ nhớ. Nghiên cứu còn phát hiện rằng những người ngủ sau khi học bài hoặc đọc tài liệu thường làm tốt hơn các bài kiểm tra sau đó. Họ khuyến cáo mọi người cần đi ngủ ngay sau khi vừa đọc xong một tài liệu nào đó để giúp việc xử lý thông tin và ghi nhớ sau đó diễn ra hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc ngủ sẽ khiến vấn đề đi ngược lại.
Tập trung. Một nghiên cứu khác cho thấy những người mất ngủ trong thời gian dài, khoảng từ 17 - 19 tiếng thường mất khả năng tập trung khi thực hiện các bài kiểm tra. Trong quá trình thử nghiệm, tốc độ phản ứng của họ giảm đến 50% trong một số trường hợp và điều này còn tồi tệ hơn nếu họ đã uống rượu bia trước đó.
Trầm cảm. Thường liên quan đến những bất thường trong giấc ngủ nhưng những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng giấc ngủ kém có thể là một trong những nguyên nhân làm phát triển bệnh trầm cảm. Giấc ngủ bị rối loạn khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi và làm giảm sự tươi vui trong cuộc sống.
Căng thẳng. Điều này làm cản trở giấc ngủ trong khi thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng. Một nghiên cứu phát hiện rằng khi cơ thể thiếu ngủ, nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) cũng tăng cao.
Bệnh tim. Giấc ngủ kém có liên quan đến các vấn đề về tim, bao gồm cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ. Chỉ cần một đêm mất ngủ có thể khiến huyết áp tăng cao suốt cả ngày hôm sau, tiến sĩ Knutson cho biết.
Bệnh tiểu đường. Có sự liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và mất ngủ. Thiếu ngủ có thể làm thay đổi kích thích tố tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, làm giảm hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, đóng vai trò kiểm soát insulin.
Béo phì. Một nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ trong 3 năm ở 20.000 người cho kết quả, so với những người ngủ 7 tiếng/đêm, những người ngủ ít hơn 5 tiếng có nhiều nguy cơ tăng cân và béo phì. Knutson tin rằng thủ phạm gây tăng cân có thể là hormone kiểm soát sự thèm ăn hoạt động không hiệu quả mỗi khi giấc ngủ bị rối loạn.
Hạ Yên
>> Quán cà phê cho phụ nữ thiếu ngủ
>> Thiếu ngủ có thể dẫn đến béo phì
>> Nguy cơ béo phì tăng do thiếu ngủ
>> Những tác hại nghiêm trọng do thiếu ngủ
Bình luận (0)