Làm việc mọi lúc, mọi nơi
Cộng đồng mạng giờ đây tạo ra một áp lực lớn cho người làm báo. Những ứng dụng công nghệ số càng giúp cho hoạt động ấy thêm thuận lợi. Do đó, báo chí chính thống phải biết "cạnh tranh" với thay đổi này, thông qua việc tự trang bị thêm điều kiện, kiến thức và ý thức ở mỗi phóng viên (PV).
Anh Cao Việt T., PV một tạp chí chuyên ngành công nghệ, chia sẻ các thế hệ PV hôm nay "gọn nhẹ" hơn những thế hệ trước rất nhiều. Thay vì lỉnh kỉnh túi xách, ống kính, PV chỉ cần máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số. Với các PV báo điện tử, hành trang có thể chỉ cần điện thoại thông minh cùng các ứng dụng công nghệ số đã đủ tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi.
Cũng theo anh Việt T., PV hôm nay cần tạo cho mình môi trường làm việc trực tuyến, với các phần mềm, ứng dụng từ mạng trực tuyến, như không gian lưu trữ ảo (điện toán đám mây), thư điện tử và tài khoản trực tuyến… Với các PV chính thức, đa số các tòa soạn cung cấp tài khoản gửi bài, tài khoản biên tập trong phần mềm tòa soạn điện tử. Như thế, PV chỉ cần cài thêm các phần mềm biên tập ảnh, video, phần mềm văn bản… trong máy tính hoặc biết sử dụng các công cụ biên tập miễn phí trên internet là ổn.
"Như vậy, PV hôm nay chỉ cần điện thoại thông minh có sim 4G, 5G để kết nối thường xuyên, có các tài khoản chia sẻ, lưu trữ dữ liệu và có kiến thức, thao tác thuần thục với các công cụ biên tập", anh Việt T. tóm lược.
Công nghệ số còn giúp các nhà báo có thêm nhiều điều kiện làm việc. Nổi bật nhất là các phần mềm công cụ giúp chuyển đổi giọng nói thành văn bản và các phần mềm hỗ trợ biên tập bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Đơn giản chỉ cần một điện thoại cài đặt chế độ chuyển đổi văn bản từ giọng nói, cài đặt thêm bộ gõ Laban Key, là PV đã có thể "nói chuyện" với điện thoại để có các văn bản ưng ý. Với các tập tin âm thanh, xưa nay PV phải ngồi "bóc tách" gõ lại văn bản, thì nay chỉ cần cài đặt, đăng ký những phần mềm chuyên nghiệp, như phần mềm chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản (Origin-STT) do các kỹ sư công nghệ Việt viết nên, PV sẽ có những văn bản với độ chính xác rất cao. Với yêu cầu thu thập dữ liệu, PV cũng có thể sử dụng nhiều công cụ AI như Chat GPT để tạo ra những văn bản thô, từ đó dễ dàng soạn thảo được những bài viết tổng hợp và phân tích hợp lý.
Bản quyền của đạo đức nghề nghiệp
Môi trường mạng và công nghệ số đã giúp tạo nên những điều kiện làm việc tốt và rất hiệu quả cho các nhà báo. Song chính những thuận lợi này cũng gây nên nhiều hệ lụy cho các PV nếu không kiên trì với đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu trung thực với thông tin, cụ thể là bản quyền trí tuệ và quyền tác giả trong các tác phẩm báo chí.
Có một thực tế là hiện tượng nhiều người rất hay sao chép, lấy lại thông tin từ môi trường mạng, nhất là hình ảnh, dữ liệu sự kiện từ người khác hay từ mạng xã hội để biến thành các bài báo của mình. Điều này cần phải được lưu ý để tuyệt đối ngăn chặn, buộc các PV phải trung thực với nghề, tôn trọng bản quyền của người khác. Các tòa soạn cần phải được trang bị những phần mềm, công cụ truy vấn dữ liệu, để phát hiện ra các bài viết sao chép, và nhất là phải mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về bản quyền báo chí.
Hành trang số hóa của người làm báo càng hiện đại, đạo đức nghề nghiệp càng phải được gìn giữ và trau dồi, thế mới có thể khẳng định được tư chất và giá trị ngòi bút của mình.
Bình luận (0)