Câu chuyện 23.000 hồ sơ hỗ trợ hạn mặn có sai sót (chiếm 50% hồ sơ các hộ dân cần được hỗ trợ) và 4.600 hộ dân bị bỏ sót hỗ trợ xảy ra ở tỉnh Kiên Giang từ đợt xâm nhập mặn 2015 - 2016 khiến ai biết đến cũng đều nhức nhối. Đọc qua bản kết luận của UBND tỉnh Kiên Giang mà Thanh Niên đăng tải trên số báo hôm qua, cho thấy hàng chục ngàn hồ sơ nói trên có sai sót bởi các lỗi rất lạ lùng, như tẩy xóa diện tích, mức thiệt hại, thiếu đơn xin hỗ trợ, biên bản thẩm định, biên bản họp dân... Những sai sót ấy khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao cán bộ địa phương lại có cách làm việc cẩu thả, tắc trách, đến mức sai sót những lỗi sơ đẳng đến như vậy? Liệu việc tẩy xóa diện tích cần hỗ trợ hoặc thiếu các loại giấy tờ trong các bộ hồ sơ có phải dụng ý của một số cán bộ để thủ lợi từ số tiền hỗ trợ hay không? Và vì sao lại bỏ sót đến hàng ngàn hộ dân, không hỗ trợ cho họ, để họ có kinh phí tái sản xuất như mục tiêu tốt đẹp của chương trình đề ra?
Mùa hạn mặn 2016, người viết đã có dịp cùng với một đơn vị tài trợ đi giúp người dân nghèo ở H.Bình Đại (Bến Tre) khoan giếng để có nước ngọt dùng. Nhìn những khuôn mặt bừng lên sự vui sướng khi dòng nước ngọt phun lên, mới thấy giá trị của tình cảm, sự yêu thương nhân ái của con người với nhau khi gặp phải thiên tai, hoạn nạn. Họ vui mừng, hồ hởi vì từ nay không còn cảnh phải đi rất xa xin từng giọt nước hiếm hoi. Huống chi, một lượng kinh phí lớn hàng chục tỉ đồng ở tỉnh Kiên Giang, do sự tắc trách, vô cảm của những cán bộ cấp huyện, xã nên không thể đến tay người dân để họ vượt qua giai đoạn khó khăn, để có chút ít tiền gượng dậy sản xuất sau khi vườn tược, cây trái bị mặn xâm nhập.
Đất nước chúng ta còn nghèo, lại thường gặp phải thiên tai như hạn mặn, lũ lụt, bão tố. Mỗi lần như vậy, nhà nước và cả xã hội đều chung tay giúp đỡ hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng. Các chính sách, chủ trương được ban hành trong mỗi dịp như vậy đều hàm chứa sự quan tâm và người dân khi tiếp nhận đều cảm thấy ấm áp. Đó không chỉ là tiền bạc, mà đó còn là tấm lòng, sự chia sẻ. Với tỉnh Kiên Giang, chính sách hỗ trợ lên đến hàng trăm tỉ đồng phải tạm ứng từ ngân sách trong đợt hạn mặn các năm trước, cũng không ngoài mục đích ấy. Dân có tiền để tái sản xuất, mới có điều kiện thoát nghèo, mới chăm lo được cho con cái, ruộng đồng của mình. Cớ sao các cán bộ, những người được dân tin tưởng, được xem là công bộc, lại có cách làm việc ẩu tả, vi phạm nghiêm trọng đến mức như vậy đối với người dân đáng ra phải được hỗ trợ từ số tiền ấy?
Dù UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo kiên quyết xử lý những sai phạm xảy ra với hàng chục cán bộ tại 4 huyện thuộc tỉnh này, nhưng việc hàng ngàn hộ dân phải lao đao do sự sai phạm ấy gây ra vẫn luôn là một vết thương nhức nhối về cách hành xử của cán bộ chính quyền đối với người dân.
Và có thể xem đây là một vụ việc mang tính cảnh báo về năng lực, tư cách cán bộ, không chỉ ở phạm vi một số huyện, xã thuộc tỉnh Kiên Giang!
Bình luận (0)