Tắc vốn bảo trì: Bộ GTVT yêu cầu đường sắt ký hợp đồng trước 24.5

Mai Hà
Mai Hà
20/05/2021 18:53 GMT+7

Lùm xùm quanh việc tắc vốn bảo trì đường sắt đã được chốt lại khi Bộ GTVT hôm nay, 20.5, có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai đặt hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đường sắt thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công văn số 636 ngày 19.5 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt quốc gia.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24.5.
Cụ thể, Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Đường sắt trên cơ sở kế hoạch bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 và các quyết định giao dự toán ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì KCHT đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt. Việc ký kợp đồng đặt hàng hoàn thành trước ngày 24.5.
Những nội dung còn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ GTVT yêu cầu lập thành văn bản để báo cáo cấp có thẩm quyền; sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ điều chỉnh nội dung hợp đồng (nếu có) làm cơ sở tiếp tục thực hiện.
Bộ GTVT cũng cho biết, về trình tự, thủ tục, chủ thể trình duyệt điều chỉnh kế hoạch bảo trì, phê duyệt dự toán chi phí sản phẩm dịch vụ công, đề xuất sửa chữa công trình không thay đổi và, thực hiện như năm 2020.
Như vậy, đã không có cơ chế đặc thù nào cho Tổng công ty Đường sắt về việc giao vốn bảo trì như năm 2020. Trước đó, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt tranh cãi về việc giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty Đường sắt, cả 2 bên đều có văn bản gửi Thủ tướng.
Bộ GTVT cho rằng, Cục Đường sắt đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, do VNR không thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT, không phối hợp với Cục Đường sắt để hoàn thiện dự thảo hợp đồng đặt hàng, chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp bảo trì ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, trong văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng hôm 12.4, Tổng công ty Đường sắt cho rằng, việc Bộ GTVT giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt thay vì giao trực tiếp cho tổng công ty đã tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, giấy phép con trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.