Tái cấu trúc từ những chuyện nhỏ nhất
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình, tái cấu trúc du lịch Mũi Né phải bắt đầu từ chuyện nhỏ nhất, đó là rác. Ông Bình phân tích: “Với góc nhìn của tôi, trước tiên phải làm cho Mũi Né sạch sẽ, thông thoáng. Du khách từng than phiền Mũi Né có quá nhiều rác. Cái này nói nhiều rồi nhưng chuyển biến rất chậm, nó tác động xấu đến hình ảnh thân thiện của Mũi Né”.
|
|
Cũng theo ông Bình, ngoài rác thì tình trạng “buôn thúng bán bưng” chen lấn vào tận các resort, đeo bám, gây khó chịu cho du khách, nhất là khách quốc tế. Mặt khác, hiện nay các bãi biển trong khu quy hoạch dành cho du lịch vẫn có ngư dân hành nghề bẫy tôm, cá, chiếm hết chỗ vui chơi của du khách, đặc biệt là khi khách tây lướt ván diều, ván buồm. Phía trước mặt các resort, phòng trọ “mọc lên như nấm” trong các khu đã được quy hoạch xây resort. “Phải làm được chuyện “nhỏ” này thì mới nói tới cấu trúc lại Mũi Né”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng bức xúc về tình trạng vệ sinh môi trường yếu kém của Mũi Né hiện nay, ông Trần Anh Thi, Giám đốc Seahorse resort, nói: “Tôi đề nghị mấy năm nay rồi, rằng chỉ cần để các thùng chứa rác ở những nơi quy định. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở các khu đông khách tây nhưng có thấy ai làm đâu. Thành phố du lịch mà không có nhà vệ sinh cho du khách, kỳ cục lắm”.
Quy hoạch lại hàng quán, nhà trọ
Hiện tượng người dân tự mở các quán nhậu ở bờ kè (KP.1, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) đã tạo ra cảnh nhếch nhác cả quãng đường dài dọc theo bờ biển. Thậm chí người dân còn làm nhà vệ sinh ngay ven biển chỉ bằng những tấm che, rất mất mỹ quan. “Bờ kè biển Hàm Tiến nhếch nhác bao năm nay, nói mãi rồi có làm được đâu”, ông Trần Ngọc Thêm, chủ đầu tư Hoàng Ngọc resort nói.
Theo ông Thêm, nếu nhà nước không có tiền đền bù giải tỏa để thu hồi đất thì phải khuyến khích người dân làm theo quy hoạch, cùng làm du lịch, tuân thủ các quy định của tỉnh. “Việc xây dựng các quán xá nơi đây phải theo quy hoạch, kiến trúc đẹp. Chứ không để tình trạng che mái tôn lên, rồi xì xụp buôn bán thế còn ra thể thống gì nữa. Do đó, cần phải sắp xếp lại những hàng quán, nhà trọ nhỏ lẻ theo một quy hoạch mà nhà nước đã thống nhất. Điều này ở Mũi Né chưa làm được”, ông Thêm nói.
|
Một cán bộ của chính ngành du lịch Bình Thuận, nhận xét việc xây dựng hai bên đường ở Hàm Tiến - Mũi Né hiện nay như khu phố… hàng xén. “Có quá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, tiệm mát-xa, nhà trọ mini, văn phòng tour, quán ăn hai bên đường, tạo cho du khách lần đầu đến đây thấy Mũi Né quá ngột ngạt ”, vị cán bộ này nói.
Theo quy định của UBND tỉnh Bình Thuận, những công trình xây dựng cơ bản trong các resort phải cách mép biển 150 m. Phía bờ biển (phía đông nam đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng) các resort không được xây cao quá 15 m. Đối với những địa điểm cụ thể, muốn xây dựng cao quá 15m phải được sự cho phép của UBND tỉnh. Một quy định khác nữa là các resort chỉ được xây dựng không quá 25% diện tích đất của dự án. Tuy nhiên, nhìn thực tế Mũi Né hiện nay thì quy định này gần như bị vô hiệu hóa. Các resort đều chặt bớt cây xanh để xây thêm khách sạn cao tầng (tăng số phòng). Thậm chí có những resort xây chỉ cách mép biển chưa tới 50 m. Một sai sót nhất trong quy hoạch Mũi Né là có rất ít đường xuống biển cho khách tắm biển.
tin liên quan
Mũi Né chuyển hướng sang thể thao biển Mũi Né, một địa điểm du lịch đầy tiềm năng và nổi tiếng cả nước
nhưng ngày càng đơn điệu, kém hấp dẫn du khách. Giải pháp nào để vực
dậy Mũi Né?
Bình luận (0)