Bán hàng ra thị trường ngàn tỉ đô qua Amazon

Mai Phương
Mai Phương
27/09/2018 13:34 GMT+7

Sáng nay 27.9, hội thảo “Bán hàng toàn cầu với Amazon” do Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức diễn ra tại TP.HCM thu hút hơn 1.000 người tham dự.

Đây là hội thảo đầu tiên và chính thức do hai bên phối hợp tại Việt Nam.
“Chợ điện tử” có hơn 300 triệu khách hàng
Hân Nguyễn - Giám đốc cơ sở Andre Gift Shop - chia sẻ, từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, cơ sở này đã phát triển mạnh chỉ trong một thời gian ngắn mở rộng xưởng sản xuất lên 300 m2 với 35 nhân viên sau khi tham gia bán nhiều sản phẩm khác nhau đến tay hàng nghìn khách hàng trên Amazon. Trước đó, cơ sở này chủ yếu bán ở Việt Nam và bán buôn cho một số khách nước ngoài. Tuy nhiên do không bán trực tiếp cho khách hàng nước ngoài nên cơ sở khó nắm bắt sở thích của người tiêu dùng. Đặc biệt theo bà Hân Nguyễn, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) đã giúp cơ sở Andre Gift Shop tăng tốc độ giao hàng, nhanh chóng cung cấp được sản phẩm theo nhu cầu của người mua. Hiện doanh số từ Amazon chiếm 50% trong bán hàng trực tuyến của cơ sở này và sẽ tăng lên 70% trong năm sau. Mục tiêu đơn vị này cũng sẽ mở rộng thị trường sang Úc, châu Âu và Nhật Bản vào cuối năm nay thông qua kênh bán hàng Amazon.
Hay câu chuyện của thương hiệu Spigen từ Hàn Quốc. Từ một cơ sở nhỏ sản xuất vỏ điện thoại thông minh, không có mạng lưới bán hàng ra khỏi biên giới, không có tiền nhiều để quảng cáo... Tuy nhiên sau khi bán hàng trên Amazon từ sản phẩm đầu tiên, công ty này đã liên tục thay đổi thiết kế về sản phẩm vỏ điện thoại, đưa thêm những phụ kiện khác... và trở thành những sản phẩm bán chạy nhất. Năm 2011, doanh thu quốc tế của Spigen chiếm 46% tổng doanh thu và sau 3 năm doanh thu quốc tế chiếm đến 90%, đạt 142 triệu USD/năm, tăng gấp 4 lần trước đó...
Ông Joonmo Park - Giám đốc bộ phận Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc - nhận định, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được bán trên Amazon tới khách hàng quốc tế như dầu cù là Sao Vàng, phin pha cà phê, cà phê Trung Nguyên... Thị trường TMĐT xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 20-30%/năm và đạt tổng giá trị hơn 1.000 tỉ USD vào 2020. Là người bán hàng, sẽ không ai muốn bỏ lỡ cơ hội tham gia vào thị trường ngàn tỉ USD này. Amazon cung cấp cho người bán toàn cầu cơ hội để tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng và bán trên 13 thị trường trực tuyến. Trong đó, Amazon Global Selling là đơn vị độc nhất trong việc cho phép người bán ở Việt Nam bán hàng thông qua các thị trường toàn cầu.
“Người bán chỉ cần gửi sản phẩm đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (FBA) của Amazon và mọi việc còn lại là chúng tôi lo như lấy hàng, đóng gói, vận chuyển tới tận tay người mua ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Việc của người bán là cung cấp sản phẩm độc đáo, thú vị theo nhu cầu của người mua. Đồng thời FBA cũng giải đáp những thắc mắc của khách hàng bằng ngôn ngữ của chính họ thay cho người bán. Nếu khách hàng trả lại hàng thì FBA cũng thực hiện việc đó. Trong khi bạn đang ngủ ở Việt Nam, người mua đặt hàng thì đã có Amazon thực hiện và người bán vẫn yên tâm ngủ ngon”, ông Joonmo Park nhấn mạnh.
Ông Joonmo Park đến từ Amazon Global Selling công bố giải pháp bán hàng cho thị trường Việt Nam M.P
Dịp này, Amazon Global Selling cũng công bố hai giải pháp hoàn toàn mới cho thị trường Việt Nam. Đó là trang web Amazon Global Selling tại địa chỉ services.amazon.vn và trang Facebook chính thức của Amazon Global Selling bằng tiếng Việt. Hai công cụ này sẽ xóa bớt khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam khi muốn tham gia bán hàng trên Amazon.
Xu hướng mới của thương mại điện tử
Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước có bán hàng trên Amazon. Con số này chưa lớn so với tiềm năng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), việc tham gia bán hàng qua Amazon là hành trình đem sản phẩm “Made in Vietnam” ra thế giới. Hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ... của Việt Nam có sức cạnh tranh rất cao như đồ gỗ vào các siêu thị ở châu Âu thì 90% đồ gỗ ngoài trời là hàng của Việt Nam...
Nhiều doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến việc bán hàng qua Amazon N.Duyên
Dẫn số liệu từ các tổ chức nước ngoài, ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết quy mô thị trường TMĐT khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 trên 600 tỉ USD và được dự báo đến 2021 sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD. Tương tự, thị trường TMĐT Đông Nam Á năm 2015 đạt doanh số khoảng 5,5 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt trên 88 tỉ USD. Trong đó, xu hướng bán hàng online đang thay đổi nhanh chóng. Nếu như trong quá khứ, kinh doanh trên mạng dựa trên nội dung mô tả, từ khóa quan trọng... thì dự báo đến năm 2020-2021, việc tìm kiếm từ khóa bằng hình ảnh (Product Seacrh) và giọng nói (Voice Search) trở nên phổ biến, chiếm khoảng 50% lượng tìm kiếm trên mạng internet. Ví dụ khi người dùng sử dụng điện thoại chụp một sản phẩm chưa biết rõ thì ngay lập tức, thông qua công cụ Product Search trên Amazon khách hàng biết ngay đó là con dao cắt xì gà. Nếu người dùng muốn mua thì cũng sẵn sàng với nút “Buy Now” trên Amazon. Bên cạnh đó, các nền tảng giúp kinh doanh qua mạng cũng sẽ thay đổi, không chỉ dừng lại ở hạ tầng tổng hợp mà đi vào từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, tiêu dùng, giáo dục, du lịch, tài chính...
“Theo thống kê, hiện có 55% người mua hàng ở Mỹ khi muốn tìm thông tin về sản phẩm là lên Amazon.com và hiện website này chiếm 44% thị phần bán hàng tại Mỹ. Vậy chúng ta thử nghĩ xem, liệu bán hàng xuyên biên giới có phải là tương lai của TMĐT hay không?”, ông Nguyễn Kỳ Minh nói.
Có 5 bước để bắt đầu bán hàng trên Amazon. Đó là đăng ký mở tài khoản; Lên danh sách các sản phẩm muốn bán gồm cung cấp hình ảnh và thông tin chi tiết; Hoàn thiện đơn hàng sau khi Amazon thông báo khi có khách đặt mua (người bán có thể sử dụng dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon - FBA - để giao phó công việc này cho Amazon); Quảng cáo để tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và cuối cùng là nhận thanh toán (Amazon sẽ trả tiền thanh toán vào tài khoản của người bán theo khoảng thời gian định kỳ). Mức phí của người bán trả cho Amazon sẽ khác nhau tùy thuộc vào giải pháp sử dụng, sản phẩm... Theo thông báo trên trang services.amazon.vn, người bán hàng cá nhân nếu bán dưới 40 mặt hàng/tháng, thì phí là 0,99 USD/mặt hàng cộng với các khoản phí khác. Còn với người bán chuyên nghiệp có số lượng bán hơn 40 mặt hàng mỗi tháng thì phí phải trả cho Amazon là 39,99 USD/tháng cộng với các khoản phí khác...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.