Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 16.3 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Đồng thời giao 2 bộ Công thương và Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Khẩu trang y tế vẫn khó mua
Trước ngày “lệnh” bắt buộc đeo khẩu trang tại các điểm công cộng chính thức diễn ra vào hôm nay (16.3), nhiều người đã đi tìm mua khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang y tế bởi sự tiện lợi, an tâm và... dễ thở nhưng không đơn giản.
Anh Quang Nam (Q.3, TP.HCM) cho biết vừa liên hệ với tiệm thuốc quen trên đường Nguyễn Phúc Nguyên hỏi mua nhưng nhân viên nhà thuốc tên Lan cho biết: “Nguồn cung cấp khẩu trang y tế báo giá cao quá nên nhà thuốc không lấy hàng. Khách quen có nhu cầu và đồng ý mức giá 330.000 đồng/hộp 50 chiếc thì mới nhận mua giúp chứ cũng không có sẵn”.
Trước đó 2 - 3 tuần, khẩu trang này có giá lên đến 500.000 đồng/hộp 50 chiếc nhưng anh Quang Nam vẫn đồng ý mua. “Giá mỗi hộp khẩu trang y tế hiện nay cao gấp 5 lần so với trước tết, nhưng nếu là hàng thật thì cũng phải chấp nhận mua để phòng chống dịch thôi. Tôi đã thử đeo khẩu trang vải kháng khuẩn nhưng không quen nên khẩu trang y tế đắt cũng phải mua”, anh than thở.
Cũng đi mua khẩu trang trước giờ phải sử dụng bắt buộc ở nơi công cộng, ông Lê Quang (Q.Tân Phú, TP.HCM) ngày 14.3 đã “chạy” hơn chục quầy thuốc trên 3 tuyến đường Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Sơn và Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Đọc trên mạng thấy có một điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn tại một tiệm cà phê trên đường Hoàng Sa (Q.1, TP.HCM) với giá 6.000 đồng/cái, ông đồng ý cái rụp bởi “dịch bệnh vẫn còn dài nên việc chuẩn bị khẩu trang thế này là cần thiết”.
Sáng 15.3, chúng tôi đi dọc các nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM hỏi mua khẩu trang y tế nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Nhân viên nhà thuốc Long Châu cho hay: “Từ sau tết đến nay nhà thuốc đã không còn khẩu trang y tế, không biết khi nào mặt hàng này mới có lại”.
Khá hiếm hoi, nhân viên một nhà thuốc cho chúng tôi biết vừa nhập về vài hộp khẩu trang y tế 4 lớp kháng khuẩn, mỗi hộp 50 cái có giá 400.000 đồng/hộp. Dạo qua khu vực chợ thuốc lớn nhất TP.HCM trên đường Nguyễn Giản Thanh, Q.10, hơn 1/2 số cửa hàng bán dụng cụ y khoa ở đây đóng cửa.
Một số cửa hàng treo bảng “không bán khẩu trang” hoặc “hết khẩu trang” để khách không phải hỏi. Một loạt nhà thuốc trước Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5) đều lắc đầu không còn. Tại nhà thuốc Eco trước bệnh viện, nhân viên nói thẳng, khẩu trang y tế bây giờ vẫn còn là món hàng xa xỉ vì không có hàng để bán.
Nếu như khẩu trang y tế vẫn khan hiếm thì thị trường khẩu trang vải kháng khuẩn lại khá sôi động. Bà Vân Hoa, chủ sạp kinh doanh trên đường Tân Thọ (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết khẩu trang vải được khách hàng đặt mua sỉ tăng số lượng mỗi ngày.
“Tuần trước khách các tỉnh miền Tây đặt mua 10.000 chiếc khẩu trang vải màu các loại, giá 3.500 đồng/cái, giao hàng đầu tuần nhưng hôm qua (15.3) khách gọi lên đặt tăng số lượng gấp đôi lên 20.000 cái nên xưởng tôi đặt may không kịp. Khả năng có thể cung ứng kịp 15.000 chiếc vào thứ tư tuần này”, bà Hoa cho biết.
|
Tin từ Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tính đến hết ngày 11.3, các doanh nghiệp trong tập đoàn đã cung ứng ra thị trường hơn 10,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn.
Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của Vinatex đã cung ứng ra thị trường 500 tấn vải kháng khuẩn, tương ứng trên 25 triệu khẩu trang kháng khuẩn. Vinatex khẳng định hiện năng suất may khẩu trang ở 18 đơn vị thành viên trong tập đoàn đã tăng lên đạt mức trần từ 400 - 500 khẩu trang/công nhân/ngày, nên hoàn toàn có thể cung ứng tốt hơn lượng khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường nội địa.
Không giao dịch nếu không đeo khẩu trang
Thực tế, việc khuyến nghị người dân đến các điểm công cộng nên đeo khẩu trang đã được nhiều siêu thị áp dụng ngay từ đầu mùa dịch. Không khí mua sắm tại siêu thị Big C (Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) trưa 15.3 diễn ra nhộn nhịp. Lượng khách hàng đi mua sắm cuối tuần khá đông và hầu hết đều đeo khẩu trang dù chưa đến thời điểm bắt buộc. Thỉnh thoảng một vài người lại kéo khẩu trang xuống cằm để dễ thở rồi lại kéo lên.
Siêu thị Aeon, siêu thị Big C... từ tháng trước đã dán bảng nhắc nhở khách nên đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước kháng khuẩn trước khi vào siêu thị. Thậm chí, tại Aeon Tân Phú, ngay cửa vào siêu thị luôn có nhân viên đứng nhắc nhở: “Xin mời khách rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang khi đi mua hàng ạ”.
Đại diện Big C cho hay việc khuyến khích, thậm chí khuyến cáo khách hàng sử dụng khẩu trang đã được áp dụng từ lâu. Với quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào siêu thị, siêu thị hoàn toàn ủng hộ và chắc chắn sẽ tiến hành các biện pháp nhắc nhở khách mua hàng nhiều hơn.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết trước khi có quy định bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang, khoảng 800 siêu thị, điểm bán hàng thuộc Saigon Co.op trên cả nước đã phân công nhân viên đứng trước cửa nhắc khách hàng nhưng không thể ép buộc họ. Nay có chỉ đạo chính thức từ Thủ tướng Chính phủ, nhân viên siêu thị có căn cứ không cho khách vào mua sắm nếu không tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm dược phẩm và trang thiết bị y tế Q.10 (TP.HCM), cho hay trung tâm đã có quy định bắt buộc cán bộ nhân viên phải tuân thủ đeo khẩu trang từ khi dịch bắt đầu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm thực hiện nghiêm việc yêu cầu khách hàng vào giao dịch phải đeo khẩu trang. Nhân viên bảo vệ ở các cửa ra vào trung tâm sẽ thực hiện công việc nhắc nhở khách hàng, nếu khách không chịu đeo khẩu trang sẽ không cho vào giao dịch.
Có thể bị phạt đến 300.000 đồngTheo ông Lưu Đức Quang, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật, yêu cầu đeo khẩu trang là một trong biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy việc đầu tiên chính quyền địa phương phải vận động người dân để bảo vệ sức khỏe chính mình hoặc tránh lây lan bệnh.
“Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được nêu trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, khi Chính phủ đưa yêu cầu buộc người dân phải đeo khẩu trang, nhằm phòng chống lây lan, nhiễm bệnh mà người dân không chấp hành thì có thể bị chế tài”, ông Lưu Đức Quang nói.
Hình thức chế tài có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, theo khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thẩm quyền xử phạt có thể là thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường.
Phan Thương
|
Bình luận (0)