Nỗi lo sợ về dịch Covid-19 dường như không còn xuất hiện giữa cái nắng hanh hao vàng ươm những ngày đầu tháng 3 tại TP.HCM khi đa số du khách nước ngoài đang tham quan tại TP này đều tỏ ra không quá bận tâm đến SARS-CoV-2.
“Vi rút sợ Bưu điện Sài Gòn”
Chiều 5.3 tại Bưu điện TP.HCM, chưa tới 1 tiếng đồng hồ mà có ít nhất 6 chiếc xe lớn chở khách du lịch liên tục dừng, đỗ đưa khách. Từng đoàn khách nước ngoài đến từ Pháp, Đức, Nga, Anh… sau khi dừng chụp hình và nghe hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về bưu điện, lần lượt đi vào bên trong tham quan, mua quà lưu niệm. Khách lẻ đi 1 - 2 người đến tham quan khu vực quanh nhà thờ Đức bà và bưu điện cũng khá đông.
Bên trong bưu điện, chiếc bàn của “người đàn ông viết thuê” Dương Văn Ngộ - 30 năm ngồi miệt mài viết trả lời thư hộ cho khách vãng lai - nườm nượp khách ghé thăm, chủ yếu là khách Tây. Hai ông bà người Đức Maximillan Weber lấy làm thích thú khi được người hướng dẫn đưa đến bàn cụ Ngộ, mua hai tấm thiệp Sài Gòn xưa, chờ cụ viết lời chúc đằng sau thiệp.
Ông Dietz cho biết báo chí Đức đã viết nhiều về người đàn ông Việt Nam chuyên viết thuê bằng 3 thứ tiếng này. Đây là lần thứ 2 Dietz đến TP.HCM và phải tìm cho được cụ Ngộ bởi “cụ đã lớn tuổi, sợ không còn nhiều cơ hội để gặp lại nữa”. Nghe nhắc đến bài báo, ông Ngộ tỏ ra hào hứng lần tìm bản photo những bài báo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp đã từng viết về mình. Ông kể, thời nay không ai thuê viết thư tiếng ngoại quốc nữa, nhưng viết thiệp vẫn còn rất nhiều và… “họ cho bao nhiêu thì cho, nhưng khi nào cũng nhiều”.
Hỏi ông sao ngồi chốn đông người mà không mang khẩu trang, hay do chưa nghe nhiều nên không sợ dịch bệnh Covid-19 từ Trung Quốc? Ông Ngộ cắt ngang: “Không phải từ Trung Quốc nữa, nay đến từ hơn 60 nước rồi. Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp… đều có người nhiễm dịch viêm phổi Vũ Hán này”. Nói đoạn, ông hạ giọng đùa: “Con vi rút đó sợ Bưu điện Sài Gòn. Ở đây không bao giờ ít khách. Khách Tây vào ra nườm nượp, không kể giờ giấc. Trưa nắng chang chang cũng đông, sáng mới mở cửa cũng đông, chiều gần về cũng đông. Hôm kia có anh thông dịch nói hình như khách du lịch đến Sài Gòn toàn tập trung vô cái bưu điện này. Nên ở đây vui lắm, không ra một ngày nhớ không chịu được”.
|
Chút thảnh thơi hiếm hoi, cụ Ngộ lại quay sang bận tiếp đoàn khách Pháp. Họ là những giáo viên đã về hưu đến từ TP.Lyon (Pháp). Bà Nacer Morel được giới thiệu là trưởng đoàn 17 người, dừng chụp hình và trò chuyện vui vẻ với cụ Ngộ. Đa số đây là lần đầu tiên đến TP.HCM. Hỏi đoàn có e ngại dịch cúm Covid-19 không? Một vài người đeo khẩu trang y tế kín mít gật đầu, nhưng nhiều người lại lắc đầu.
Sau khi “hội ý” với đoàn, bà Morel đứng ra trả lời: “Chúng tôi nghĩ mình biết cách tự bảo vệ thì không nên quá sợ. Hơn nữa, nơi chúng tôi đi du lịch là xứ nắng nóng, tôi nghĩ là con vi rút sẽ khó sống trong thời tiết 30 độ ngoài trời như thế này. Hơn nữa, 15/17 người trong đoàn chúng tôi lần đầu đến Việt Nam. Tour này chúng tôi lên kế hoạch từ hơn một năm trước, đặt tour cũng từ tháng 9 năm ngoái. Số tiền rất nhiều cho chuyến đi 12 ngày. Thế nên, không thể bỏ được”.
Hai khách lẻ người Ireland đang lang thang mua hàng lưu niệm trong bưu điện, nhờ chúng tôi tư vấn xem mua món quà nào độc đáo cho hai cô cháu gái 13 và 16 tuổi. Bà O’Neill nói món quà nào cũng xinh, muốn mua thật nhiều, nhưng phải lựa chọn để có được cái vừa ý nhất. Chiếc vòng bạc nhỏ trị giá 49 USD, bên trên có chạm hoa mai nho nhỏ. Theo bà O’Neill, dịch bệnh không quá sợ hãi như mọi người nghĩ.
“Nên nhớ cảm cúm thì có mọi nơi, năm nào thế giới cũng bị cúm và chết người hàng loạt vì cúm. Sợ hãi chỉ khiến xã hội lộn xộn thêm. Tôi không thích suy nghĩ tiêu cực. Tôi luôn có trong túi xách lọ rửa tay khô và rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi vào nơi đông người”, bà O’Neill nói.
Nên nhớ cảm cúm thì có mọi nơi, năm nào thế giới cũng bị cúm và chết người hàng loạt vì cúm. Sợ hãi chỉ khiến xã hội lộn xộn thêm. Tôi không thích suy nghĩ tiêu cực. Tôi luôn có trong túi xách lọ rửa tay khô và rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi vào nơi đông ngườiBà O’Neill (du khách người Ireland) |
Rời Bưu điện TP, chúng tôi có một cuộc phỏng vấn nhanh với nhiều khách nước ngoài. Đa số cùng đều cho biết họ không quá bận tâm đến dịch Covid-19. 10 giờ sáng, ông Smith (quốc tịch Mỹ) sau khi vào tham quan chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3), ngồi nghỉ trên bậc tam cấp của chùa, chụp hình các lồng chim đang chờ người mua để phóng sinh. Hỏi ông có ngại dịch cúm Covid-19 không, ông lắc đầu: “Tôi không quan tâm đâu. Tôi nghĩ cách phòng chống ở đây tốt, không bị mất kiểm soát”.
Những du khách “bất đắc dĩ”
Kết thúc một ngày lang thang quanh khu vực Q.1, Daniel nài nỉ chúng tôi làm hướng dẫn viên cho anh thêm 1 ngày nữa để khám phá nhiều hơn ẩm thực Sài Gòn. Daniel người Mỹ, là một kỹ sư đang làm việc cho một công ty công nghệ, chủ yếu hoạt động tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hai tháng trước, Daniel được cơ quan phân công tới Thái Lan công tác, sau đó chuyển qua Việt Nam vào cuối tháng 2. Theo lịch trình ban đầu, ngày 2.3 Daniel sẽ hoàn tất công việc và trở về Thượng Hải, nhưng do dịch bệnh tại Trung Quốc còn diễn biễn phức tạp, anh buộc phải kéo dài thời gian lưu trú tại TP.HCM.
|
“Tôi phải ở lại cho tới khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn. Theo lời một đồng nghiệp, tôi đặt tour TP.HCM trong 1 ngày để tham quan được nhiều điểm nổi tiếng như nhà thờ Đức bà, Bưu điện TP, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để khái quát bức tranh về TP.HCM. Bây giờ thì cứ lang thang khắp nơi thấy đồ ăn uống gì ngon là thử thôi. Tôi nghe nói Sài Gòn là thiên đường ẩm thực nhưng mới thử được vài món ăn nổi tiếng như bánh mì, phở, cơm tấm... Tôi đặc biệt thích ăn hủ tiếu, chè ở chợ Bến Thành cũng rất ngon. Bị kẹt ở đây hóa ra lại hay, được đi du lịch, nghỉ dưỡng mà không cần nghỉ phép. Đọc báo thấy Việt Nam, TP.HCM rất an toàn nên tôi khá an tâm. Tôi đang dự tính tuần sau sẽ mua tour đi chơi các tỉnh miền Tây. Nghe nói sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị”, Daniel hào hứng.
“Thật sự không có nơi nào trên thế giới này là an toàn tuyệt đối cả. Quan trọng là giữ tay sạch và rửa tay thường xuyên. Tôi đi nhiều nước châu Á, châu Âu và sang Mỹ nhưng cảm giác ở Việt Nam là an tâm hơn cả”.
Anh Haugen (du khách Na Uy)
|
Daniel không phải du khách “bất đắc dĩ” duy nhất tại TP.HCM. Sang Việt Nam thăm bạn gái (chị Nguyệt Anh, sống tại Hà Nội) hồi cuối tháng 2, Takashi (26 tuổi, người Nhật) “mắc kẹt” ở đây vì thành phố nơi anh sinh sống tại Nhật Bản đang bùng phát Covid-19. Vậy là hai anh chị đã lên kế hoạch vào nam trốn dịch, khám phá TP.HCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ.
“Thời tiết ở TP.HCM thật tuyệt vời. Nắng nóng như thế này thì vi rút nào chịu cho nổi. Tôi thấy Chính phủ của các bạn kiểm soát dịch rất tốt, người dân cũng rất ý thức tự bảo vệ mình. Đặc biệt các tour quá rẻ, tôi không thể tưởng tượng nổi đi du lịch ở Việt Nam lại rẻ như vậy. Mọi thứ thật tuyệt!”, Takashi chia sẻ.
Thực tế, không chỉ người nước ngoài, rất nhiều gia đình người Việt sau thời gian dài có con nhỏ nghỉ học đã bắt đầu rục rịch chọn những nơi nắng ấm để du lịch. Trong đó, TP.HCM là một trong những điểm đến lý tưởng.
Theo thống kê của Hãng hàng không Vietnam Airlines, các đường bay nội địa đã bắt đầu “ấm” dần lên ngay trong tháng 3 và tháng 4. Một phần do hành khách quan ngại đi lại quốc tế nên chuyển sang đi nội địa, một phần các chương trình kích cầu du lịch, chương trình khuyến mãi triển khai liên tục trong thời gian qua đang phát huy tác dụng. Đặc biệt, chặng bay Hà Nội - TP.HCM liên tục ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tới 80 - 90% khi giá vé máy bay giảm chỉ còn khoảng một nửa so với ngày thường.
Bình luận (0)