86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực
Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp sáng 9.5, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, đẩy thêm nửa tỉ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo.
GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5% . Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”: tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỉ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực. Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ KH-ĐT đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp (DN). Theo đó, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
“Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực DN, thể hiện ở việc giảm mạnh về số DN thành lập mới, quy mô DN bị thu hẹp; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
“Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta cần phải làm gì, hành động gì, để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”, ông Dũng đặt vấn đề.
|
Đột phá, nắm bắt thời cơ
Với vài trò cơ quan tổng hợp, tham mưu chính sách kinh tế, Bộ KH-ĐT đề xuất 6 giải pháp. Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa: tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử. Xem xét hỗ trợ các DN tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân…
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất.
Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử… nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.
“Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước vì tinh thần dân tộc...”, Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị.
Bình luận (0)