Ngày 8.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến về tình hình phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và giải đáp hàng loạt kiến nghị của TP.
TP.HCM xây dựng đề án lập TP trong TP trực thuộc T.Ư
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM, tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập TP phía đông trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Nhận định đây là động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP, ông Nhân cho biết khu vực này rộng hơn 21.000 ha với hơn 1 triệu dân, nếu tích hợp lại sẽ đóng góp 30% GDP của TP, tương đương 4 - 5% GDP cả nước và sẽ là “quả đấm kinh tế” khi GDP bằng tỉnh thành khác cộng lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ, nếu được chấp thuận thì TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình này.
Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng đề xuất này tuy mới nhưng có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Theo đó, Hiến pháp 2013 và luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định đơn vị hành chính cấp tỉnh có TP, quận, huyện và thị xã. Luật cũng quy định về điều kiện thành lập, sáp nhập và chia địa giới hành chính cần phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành liên quan. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cũng quy định rõ tiêu chuẩn của TP trực thuộc T.Ư. “Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với bộ, ngành liên quan thực hiện chủ trương này theo quy định”, bà Oanh cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, góp ý đề xuất lập TP phía đông của TP.HCM nên nằm trong đề án với đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, quận vì cùng liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế hoạt động của cán bộ, công chức.
Sau khi nghe ý kiến các bộ, Thủ tướng cho phép TP.HCM xây dựng đề án thành lập TP trong TP trực thuộc T.Ư và giao Bộ Tư pháp nghiên cứu.
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm nay kinh tế khó khăn nên ngân sách cả nước trông chờ vào các tỉnh, TP có đóng góp lớn, trong đó có TP.HCM. Do vậy, các bộ, ngành rà soát các khó khăn để tháo gỡ, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển.
Thu hồi hơn 1.800 tỉ đồng của Công ty Đại Quang MinhLiên quan đến việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1037 ngày 26.6.2019 của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh hơn 1.800 tỉ đồng, TP đã giao các đơn vị liên quan xin ý kiến hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc tính lãi suất chậm nộp đối với khoản tiền nêu trên để thu hồi.
Bên cạnh đó, TP đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, xác định chi phí đầu tư bình quân; phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn phương pháp thẩm định giá đất; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất.
Về chi phí đầu tư bình quân Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại diện Bộ Tài chính cho hay, đã phối hợp với các đơn vị liên quan để báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, chi phí này chỉ để tham khảo, TP.HCM muốn dùng để tính tiền sử dụng đất hoặc làm đấu giá thì phải làm theo quy định và căn cứ vào chỉ tiêu xây dựng như mật độ, độ cao.
|
Liên quan kiến nghị tạm dừng tính giá điện theo bậc thang của TP, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay điện năng là hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất, tiêu dùng diễn ra cùng lúc, người dân cần sử dụng tiết kiệm. Theo ông Hải, tính giá điện theo 5 bậc sẽ có lợi hơn cho hộ sử dụng ít điện, hộ thu nhập thấp, gia đình cán bộ, công chức bởi tổng giá điện không thay đổi, nếu tính theo 1 bậc thì giá điện phải chia đều, còn tính theo 5 bậc, người dùng ít sẽ được tính giá thấp, người dùng nhiều hơn phải trả nhiều tiền hơn.
Cũng tại buổi làm việc, UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chuyển một số tài sản công gồm: nhà đất số 123 Trương Định (P.7, Q.3) và số 149 Pasteur (P.6, Q.3) từ Văn phòng Thành ủy sang UBND TP và nhà đất số 66 - 68 Trương Định (P.7, Q.3) từ UBND TP sang Văn phòng Thành ủy để đầu tư xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP và trụ sở làm việc của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Ngoài ra, TP cũng điều chuyển nhà đất số 238 Ba Tháng Hai (P.12, Q.10) từ Văn phòng Thành ủy sang Công ty TNHH MTV du lịch Kỳ Hòa (thuộc Thành ủy TP) đang quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh.
Khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận thời gian qua, TP.HCM đã quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều giải pháp sáng tạo, năng động góp phần kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến cả nước, TP cũng có nhiều mô hình kinh doanh mới giúp nền kinh tế TP không bị “đổ gãy”.
Với quy mô kinh tế đóng góp 25% ngân sách cả nước, Thủ tướng nhận định nếu kinh tế TP suy giảm sâu thì ảnh hưởng đến cả nước về thất thu ngân sách. “TP.HCM đã nén đủ rồi, đến lúc phải bung ra ngay và trở lại chính mình. Biểu đồ phát triển kinh tế của TP.HCM không được là chữ U mà phải là chữ V”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với số lượng cư dân nhập cư đông, TP cần làm tốt công tác an sinh xã hội, giải ngân ngay gói hỗ trợ cho người nghèo, người mất việc, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Tôi ngồi đây mà nhận điện thoại nhiều người kêu khổ vì thủ tục đang diễn ra tại TP. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bệnh quan liêu ở xã, phường; quận, huyện vẫn là vấn đề lớn”, Thủ tướng nói.
Để đưa kinh tế tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là mỗi người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và khắc phục vi rút “trì trệ” đang nằm ở một số thành viên Chính phủ và nhiều sở, ngành.
Người đứng đầu Chính phủ không hài lòng với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của TP trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,2%, thấp hơn bình quân cả nước và nhiều tỉnh, TP khác và đặt câu hỏi “Đây có phải là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế TP hay không?”. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP phân tích kỹ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, tăng tỷ lệ giải ngân cả vốn đầu tư công, tư nhân và vốn FDI. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới phức tạp còn ở TP đã được kiểm soát, Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM phải tận dụng ngay “cơ hội vàng” về đầu tư, nhất là các dự án về công nghệ của tập đoàn đa quốc gia và cam kết Chính phủ sẽ tạo mọi thủ tục.
Bình luận (0)