Nông sản tắc do phòng dịch quá mức cần thiết
Đó là ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 7.6 với đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Công an bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển nông sản từ vùng sản xuất đến thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, tránh lặp lại tình trạng dồn ứ, ùn tắc như các đợt dịch trước đây.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), sản lượng trái cây chủ lực tiêu thụ trong năm 2021 là khoảng 8,3 triệu tấn. Trong đó, nhiều loại có sản lượng lớn như vải thiều, xoài, nhãn, thanh long, dưa hấu… đang vào mùa thu hoạch chính vụ nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu lưu thông.
Ông Toản cũng cho biết, các địa phương phản ánh nhiều nhất là khó khăn trong việc xác định nông sản vùng dịch an toàn để đưa nông sản đi tiêu thụ và đặc biệt là vận chuyển từ vùng dịch ra ngoài.
“Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa”, ông Toản nói.
Chứng nhận an toàn cho nông sản từ vùng dịch Covid-19
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, Thủ tướng nói không được "ngăn sông cấm chợ" nhưng các địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên ứng xử không đồng nhất trong vận chuyển nông sản. Trong khi đó, nông sản có tính thời vụ, thời điểm ngắn ngày, nên chậm vận chuyển gây phát sinh chi phí, hư hao chất lượng và giảm giá trị.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đã tìm hiểu về tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc) thời gian đầu, khi giãn cách xã hội, "nông sản cũng dồn ứ, ùn tắc y như ở ta”. Đáng lưu ý, trong các giải pháp thực hiện, Trung Quốc đã “kích hoạt luồng xanh” để nông sản chạy nhanh nhất đến thị trường. Trong đó, có sự phối hợp của các ngành y tế, công thương, giao thông, thậm chí cả lực lượng cảnh sát giao thông.
Bên cạnh đó, xe chở nông sản còn được miễn nhiều loại thuế, phí bao gồm cả phí sử dụng đường cao tốc, giải pháp này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng cái chính là đưa nông sản ra thị trường càng nhanh càng tốt, không còn tình trạng ùn tắc, dồn ứ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giải pháp của Trung Quốc áp dụng là phương cách tốt để gỡ nút thắt cho nông sản từ vùng dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong đó, Bắc Giang là địa phương đã áp dụng giấy chứng nhận an toàn dịch Covid-19 cho các xe chở nông sản thuận tiện lưu thông nhưng giấy này do lãnh đạo cấp huyện ký thì rất khó lưu thông qua địa bàn khác.
Qua thảo luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Bộ Y tế cùng nhau giám sát từ khâu thu hoạch, đóng gói nông sản từ vùng sản xuất, phương tiện, người vận chuyển...
Cuối cùng, Bộ Y tế là cơ quan cấp giấy xác nhận an toàn cho các phương tiện, lô hàng. Khi đã có giấy này, các bộ, ngành khác tạo điều kiện để xe chở nông sản lưu thông thuận tiện, nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 đưa ra hàng thị trường nhanh nhất.
Bình luận (0)