Theo South China Morning Post, Lu Fang, Tổng thư ký quang điện của Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc, trong một báo cáo mới đây cho biết khả năng tích lũy của các tấm pin năng lượng mặt trời quá hạn sử dụng của Đại lục sẽ đạt 70 GW vào năm 2034. Con số này nhiều gấp ba lần so với quy mô công suất của đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm giữa tỉnh Hồ Bắc và Trùng Khánh của Trung Quốc.
Đến năm 2050, số lượng các tấm pin phế thải này sẽ tăng thêm 20 triệu tấn, nhiều gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Và “trong trường hợp thời tiết không tốt, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho những tác động xấu của chúng tới môi trường”, Lu Fang nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc hiện sở hữu số đơn vị sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với tổng công suất đạt gần 80 GW vào năm ngoái. Lượng lắp đặt các tấm pin mặt trời ở nước này cũng nhiều gần gấp đôi so với Mỹ. Các chuyên gia của Bloomberg dự đoán những trang trại năng lượng mặt trời mới của Đại lục được hoàn thành trong năm nay sẽ vượt quá mức kỷ lục của năm 2016.
Tốc độ phát triển đáng kể nói trên đã được thúc đẩy bởi chính phủ nhằm đa dạng hóa cơ cấu cung cấp năng lượng của quốc gia đông dân nhất thế giới, khi tính tới thời điểm hiện tại nước này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, tuổi thọ của các nhà máy năng lượng mặt trời tương đối ngắn, trong khi đó Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nào để xử lý những tấm pin mặt trời không còn dùng được.
tin liên quan
Trung Quốc hoàn thành trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giớiTrung Quốc đang đặt cược lớn vào năng lượng mặt trời để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí trong nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
“Một lượng lớn chất thải không dễ tái chế từ các tấm pin năng lượng mặt trời trong vòng hai hoặc ba thập niên tới sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường”, ông Tian Min, Tổng giám đốc của công ty tái chế Nanjing Fangrun Materials ở tỉnh Giang Tô, cho biết.
Một tấm pin năng lượng mặt trời thông thường chứa các kim loại như chì, đồng và có một khung nhôm. Các tế bào năng lượng mặt trời được tạo thành từ tinh thể silic tinh khiết kết tinh dưới một lớp màng nhựa dày có chức năng bảo vệ. Một số công ty ở châu Âu báo cáo rằng họ đã phát triển công nghệ tinh vi nhằm tiết giảm hơn 90% nguyên liệu sản xuất. Nhưng theo ông Tian Min, các tấm pin mặt trời công nghệ phương Tây có thể sẽ vấp phải cạnh tranh về giá bán từ Trung Quốc.
Các nhà máy điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc chủ yếu nằm ở những vùng sâu vùng xa, trong khi đó phần lớn các hãng tái chế lại tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển dọc theo bờ biển. Do đó, việc vận chuyển các tấm pin cồng kềnh vượt qua một khoảng cách địa lý dài như vậy sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, chi phí tách và tẩy uế chất thải, một quá trình công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động, điện năng đầu vào và chứa nhiều hóa chất độc hại như axit, có thể không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến người lao động.
“Nếu một nhà máy tái chế tiến hành từng bước để giữ lượng phát thải ô nhiễm ở mức thấp, thì giá sản phẩm tái chế có thể sẽ đắt hơn cả các nguyên liệu thô mới”, ông Tian Min cho biết.
Chi phí tinh thể silic trong năm nay ở mức khoảng 13 USD/kg. Nhưng mức giá này được ước tính sẽ giảm khoảng 30% trong thập niên tới. Theo ông Tian Min điều này sẽ làm cho silic tái chế khó bán hơn.
Tuy nhiên, một quản lý bán hàng của một công ty tái chế tấm pin năng lượng mặt trời khác cho rằng họ có cách để loại bỏ “rác” năng lượng mặt trời của Trung Quốc. “Chúng tôi có thể bán chúng cho Trung Đông. Khách hàng của chúng tôi ở khu vực đó nói rằng họ không cần đồ mới, họ chỉ muốn giá rẻ. Họ sẽ mua về và bán lại các tấm pin năng lượng mặt trời cũ cho những gia đình sống trong sa mạc. Ở đó có rất nhiều đất để lắp đặt một lượng lớn các tấm pin mặt trời nhằm bù đắp cho mức năng lượng hiệu suất thấp”, người quản lý bán hàng giấu tên nói.
tin liên quan
Trung Quốc đang vượt Mỹ về năng lượng tái tạoTrong khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nỗ lực khôi phục lại ngành than, thì Bắc Kinh lại đang đi ngược hướng khi đổ hàng trăm tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Bình luận (0)