Chiếm 1,43 triệu tỉ đồng, tỷ trọng tiền mặt vẫn còn quá nhiều

17/06/2021 17:26 GMT+7

Những nỗ lực của các cơ quan chức năng chưa thể đẩy lùi được tiền mặt khi tỷ lệ tiền mặt vẫn chiếm tới 11,53% tổng phương tiện thanh toán.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa công bố, kể từ năm 2019 đến hết tháng 4.2021, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn ở mức trên 11%.
Đáng chú ý, sau một thời gian dài được kéo giảm, trong năm 2021, có những thời điểm tỷ trọng này lại tăng lên. Cụ thể, cuối năm 2020 là 11,05%, nhưng tháng 1.2021 tăng lên 12,11%; và tháng 2 là 12,21%; tháng 3 và tháng 4 giảm nhẹ, còn lần lượt 11,55% và 11,53%.
Vẫn theo số liệu từ cơ quan này, tính đến hết tháng 4, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế (chưa bao chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đạt hơn 12,46 triệu tỉ đồng. Với tỷ lệ 11,53%, thì tiền mặt trong nền kinh tế hiện đang có khoảng 1,43 triệu tỉ đồng.
Điều đáng nói, ngày 30.12.2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Chỉ tiêu quan trọng nhất là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Như vậy, đến nay chỉ tiêu này đã không đạt và tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao. Đánh giá của NHNN cũng thừa nhận, hiện nay dù thanh toán điện tử đang bùng nổ dữ dội nhưng việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn…

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán

Ảnh SBV

Thống kê từ NHNN cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 4, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271.000 POS và hơn 19.000 ATM. Giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức triển khai.
Đặc biệt, NHNN sẽ xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.