“Chúng ta không thể chỉ hứa suông để có được hai hiệp định này”

Vũ Hân
Vũ Hân
13/02/2020 07:22 GMT+7

“Cao tốc Việt Nam - EU” đã được mở ra, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chạy trên đó bằng phương tiện gì, theo cách nào.

Tối 12.2, ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu tán thành phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) Việt Nam - EU với số phiếu áp đảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả và kế hoạch hành động sắp tới nhằm tận dụng cơ hội này.
“Cao tốc Việt Nam - EU” đã được mở ra, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chạy trên đó bằng phương tiện gì, theo cách nào.
“Chúng ta không thể chỉ hứa suông để có được hai hiệp định này”

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo

Ảnh: Anh Minh

“Công việc rất nhiều và chúng ta phải hành động”

Cả Hội đồng châu Âu và Ủy ban Châu Âu đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở trình độ phát triển của chúng ta, với tư cách một nước đang phát triển, trở thành đối tác của EU, ký các hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với các cam kết rất cao ở tất cả các lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, 2 hiệp định này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và dân túy đang trở lại trên phạm vi toàn cầu. Thành tựu này cho thấy một minh chứng nữa việc loài người có thể thịnh vượng cùng nhau thay vì bo bo giữ lấy những thành tựu riêng của quốc gia, dân tộc mình.
Với Việt Nam, 2 hiệp định có ý nghĩa to lớn, mở toang cánh cửa kết nối với một thị trường rộng lớn và khó tính hơn, giúp Việt Nam bước thêm 1 bước mới trên con đường cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam cũng cần 2 hiệp định này và sự tác động của nó trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế lên một bước phát triển mới theo chiều sâu thay vì chiều rộng, tinh thay vì thô, chất lượng thay vì số lượng. “Bằng việc ký kết và bỏ lá phiếu thông qua hiệp định, các nghị sĩ EU cũng đã khẳng định sự tin cậy đối với Việt Nam, với con đường Việt Nam đã chọn”, ông Trần Tuấn Anh nói thêm.
Để hoàn thiện những bước pháp lý cuối cùng trước khi 2 hiệp định chính thức có hiệu lực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ nay đến kỳ họp Quốc hội tới, Bộ Công thương sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình lên Chủ tịch nước trước khi trình Quốc hội. Đồng thời, Bộ cũng sẽ triển khai ngay việc rà soát, hoàn thiện lại Kế hoạch hành động của Chính phủ để ngay sau khi 2 hiệp định được phê chuẩn thì chương trình hành động cũng được ký ban hành. “Ngay từ bây giờ, chúng ta phải rà soát để sửa đổi, điều chỉnh khung luật pháp để tương thích với các cam kết. Chúng tôi cũng sẽ triển khai việc cung cấp thông tin để đảm bảo khi chương trình hành động ban hành thì tất cả chúng ta sẽ có cùng một quan điểm, một sự thống nhất trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện, hướng trọng tâm vào cộng đồng doanh nghiệp (DN), các tổ chức kinh tế - xã hội và người dân. Tác động nhiều mặt của hiệp định phải được phân tích để cung cấp cho người dân, DN, để khai thác, phát huy tối đa hiệu quả mang lại”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Song song với việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng để tiến vào thị trường mới, thì việc chống gian lận thương mại và xuất xứ cũng là một nhiệm vụ lớn, khi Việt Nam càng có nhiều khung khổ hội nhập với các cơ chế ưu đãi thì sẽ càng có nhiều nguy cơ bị lợi dụng để gian lận, hưởng lợi xuất xứ.
“Năng lực cạnh tranh của DN châu Âu sẽ là thách thức rất lớn cho các DN tại Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp, chế biến, chế tạo, máy móc, thiết bị, thép, công nghiệp hóa chất, chế biến thực phẩm, ô tô và các mặt hàng khác chắc chắn sẽ có áp lực cạnh tranh rất lớn. Nhưng cơ cấu sản phẩm giữa 2 thị trường có tính bổ trợ rất nhiều. Quan trọng là chúng ta nhìn thấy thách thức để tiến lên, tiếp tục tái cơ cấu để DN có thể cạnh tranh hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Công thương cam kết.

EU có cơ sở để lựa chọn, tin cậy Việt Nam

Quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại

“Với mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện và do tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, EVFTA sẽ đem lại lợi ích lớn cho hai bên. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông thủy sản... Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có.
Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thuận phê chuẩn hai hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỉ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Tuy quan điểm giữa các nghị sĩ EU còn khác biệt, song việc ủng hộ thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ. Quyết định của Nghị viện châu Âu sẽ tạo thêm niềm tin và củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở và tự do”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chỉ hứa suông và ngụy biện để có được 2 hiệp định này. Cả Hội đồng châu Âu và Ủy ban Châu Âu đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở trình độ phát triển của chúng ta, với tư cách một nước đang phát triển, trở thành đối tác của EU, ký các hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với các cam kết rất cao ở tất cả các lĩnh vực. Họ có cơ sở để lựa chọn Việt Nam, đặt sự tin cậy vào Việt Nam, để đàm phán, ký kết, thông qua hiệp định với chúng ta. Lợi ích kinh tế, thương mại và các lợi ích khác nữa sẽ có sự lan tỏa rộng rãi ra tất cả lĩnh vực khác, mang lại tiến bộ xã hội, sự phồn vinh cho nhân dân các nước EU và Việt Nam. Đó là điều không ai có thể phủ nhận, bác bỏ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nhưng không quên lưu ý: Vấn đề còn lại vẫn là cách tổ chức thực hiện của Việt Nam để các hiệp định thực sự mang lại lợi ích toàn diện cho người dân, DN của cả Việt Nam và EU, để không người dân, DN nào bị bỏ lại phía sau trong khung khổ hội nhập mới.
Theo ông Trần Tuấn Anh, không phải nghiễm nhiên các lợi thế sẽ từ trên giấy trở thành hiện thực, thành công ăn việc làm, thành thu nhập. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và đang quyết tâm thực hiện. Điều quan trọng đặt ra hiện nay là thời gian và chất lượng tái cơ cấu.
“Khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh, rõ ràng đã tác động lớn đến thương mại và đời sống người dân. Điều này giúp chúng ta hiểu hơn rằng nếu vẫn đi theo sản phẩm cũ, thói quen sản xuất cũ thì không tiến đến đâu cả, cho dù chúng ta có các hiệp định thương mại tự do. Nhiệm vụ trọng tâm tới đây vẫn là mở cửa thị trường, sớm triển khai ngay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành ngay chuỗi cung ứng với sự tham gia của các DN Việt Nam và các đối tác của chúng ta trong EU”, ông Trần Tuấn Anh đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.