Việc hợp tác này diễn ra trong giai đoạn 2020 – 2021 nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; Tăng cường sự tương tác, chia sẻ thông tin...
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết thời gian gần đây, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng từng bước được nâng cao. Cơ quan này đã kêu gọi các đơn vị chung tay cùng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tuyên truyền về quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Trong đó, Amway là đơn vị đã luôn đồng hành cùng với cơ quan quản ý nhà nước trong những hoạt động này.
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ và phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng. Số lượng cuộc gọi đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (Tổng đài 1800 6380) tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2017 - 2019, đạt 9.295 cuộc gọi trong năm 2019. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 1800 6838 đã tiếp nhận gần 7.112 cuộc gọi đến, trong đó có hơn 1.000 đơn yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Để đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ ngày càng cao của người dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó gồm xây dựng và vận hành Hệ thống Tổng đài Tư vấn với khả năng mở rộng, kết nối tới các địa phương trên toàn quốc; hướng đến việc kết nối trong và ngoài nước; thống nhất quy trình tiếp nhận, tư vấn và giải quyết yêu cầu; xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử, các ứng dụng di động nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng giám đốc Amway Việt Nam, cho rằng công ty rất vinh dự khi trở thành một phần của những hoạt động này vì đó là giải pháp hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật về quyền của người tiêu dùng. Đồng thời thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết trong năm 2019, có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chấm dứt hoạt động. Như vậy, tính đến hết tháng 8.2020, chỉ còn 21 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 30% so với cuối năm 2018. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp năm 2019 đã tạo ra doanh thu 12.575 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2018. Đến cuối năm 2019, có hơn 1,1 triệu người tham gia bán hàng đa cấp nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% người tham gia hoạt động và có phát sinh doanh thu, có nhận hoa hồng. Số người tham gia bán hàng đa cấp tiếp tục giảm và đến giữa năm 2020 chỉ còn khoảng 650.000 người...
|
Bình luận (0)