Chuyện phân lô: Không cam chịu làm 'ngọn cỏ gió đùa'!

09/07/2018 06:49 GMT+7

Tình cảnh của phận làm dân trong vùng bị quy hoạch, giải tỏa có thể nói là nhục nhằn, khổ cực trăm bề, nhất là đối với những hộ dân đã sinh sống yên ổn ở đó bao đời...

Ít ai ngờ rằng cái tựa cuốn tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa của cụ Hồ Biểu Chánh lại vận đúng vào trong một cuộc tranh cãi gay gắt giữa một phụ nữ đứng tuổi với ông trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 (TP.HCM) về chuyện giải tỏa đền bù như vậy…
Giáo viên văn lên tiếng!
Hôm ấy là một ngày tháng 8.2004, hội trường Q.9 tập trung khoảng 50 người. Vừa bước vào, tôi nghe tiếng của một phụ nữ cao giọng: “Mấy chú đừng ép dân quá đáng, tụi tui không cam chịu làm ngọn cỏ gió đùa đâu nhé”. Hỏi ra, tôi mới biết bà tên là N.T.Y, giáo viên văn của một trường THPT ở Q.1.
Chuyện của bà Y. thế này: Gia đình gom góp được một số tiền, nghĩ rằng hai vợ chồng gần về hưu, nên xuống P.Phú Hữu mua mảnh đất ruộng khoảng 1 công gần bờ sông Tắc để dưỡng già. Đất mua đã 2 năm, đào hố xuống cây ăn trái rồi, chỉ còn san lấp và xin chuyển một ít sang đất thổ cư để làm nhà. Đùng một cái, chính quyền TP giao cho một đơn vị làm dự án khu nhà ở cho cán bộ, nhân viên vài chục ha, choàng ngay vào đất của bà Y. và nhiều người khác. Sau nhiều ngày thương lượng, định giá đền bù, Q.9 đưa ra cái giá đền bù rẻ mạt: 150 - 200 ngàn đồng/m2 tùy vào vị trí. Ai không chịu thì sẽ bị cưỡng chế và số tiền này sẽ được gửi vào ngân hàng. Còn ai đồng ý ký sớm “đi sớm”, thì giá sẽ là 400 ngàn đồng/m2.
Chẳng ai hiểu nổi cái điều kiện mà Q.9 đưa ra để lấy đất của dân là căn cứ từ đâu, tại sao lại có giá như vậy và làm thế nào để hình thành nên một “điều kiện” để trả treo thẳng thừng với hàng chục hộ dân như thế. Tôi tìm tòi tư liệu, phỏng vấn người dân, chính quyền và chủ dự án để viết loạt bài Bát nháo chuyện đền bù giải tỏa đăng trên Thanh Niên. Tất nhiên là không chỉ với một dự án này, mà đề cập đến những bất hợp lý cả ở nhiều dự án khác như khu nhà vườn An Phú Đông (Q.12), Bắc Rạch Chiếc (Q.9)…
Nhưng rồi, sau nhiều năm đi lại, vật lộn và “phân hóa” lực lượng, chủ dự án nói trên và chính quyền cũng đã thuyết phục được dân giao đất. Ai kiên trì khiếu nại, không mệt mỏi, đi sau thì được giá cao hơn. Dù rằng đã cố gắng hết sức để đứng vững, nhưng rốt cuộc… gió cũng đã đùa được “cỏ”!
Nhiều người dân buộc lòng phải đi vay mượn tiền sau khi giải tỏa để thêm vào, mua đất nền (hoặc nhà) tại các dự án như thế này Diệp Đức Minh
Bất công với dân trong vùng giải tỏa!
Nói là triền miên, thì có lẽ vẫn chưa đủ khi đề cập đến tình cảnh của phận làm dân trong vùng bị quy hoạch, giải tỏa. Mà còn nhục nhằn, khổ cực trăm bề, nhất là đối với những hộ dân đã sinh sống yên ổn ở đó bao đời. Cái cảnh chầu chực khiếu nại ở văn phòng tiếp dân, cái sự bỏ công ăn việc làm, cái chuyện buông tay để về chốn tạm cư theo sự sắp đặt của chính quyền đã vẽ nên một bức tranh vô cùng ảm đạm đối với người bị giải tỏa. Ai có đến cái chốn tạm cư mà ngày ngày tôi được “mục sở thị” thì mới thấy cảnh sống nhếch nhác của người dân tệ hại đến mức nào.
Nhưng cảnh sống tạm cư dù sao cũng chỉ sống tạm. Còn khi đã có chung cư để về ở chính thức, cũng nảy sinh ra đủ thứ nhiêu khê, vì chung cư dành cho dân tái định cư thường được xây dựng rất vội vàng, nhiều khu nhà được làm rất dối trá.
Xin đọc lại đoạn mô tả trong bài báo Dự án tái định cư: Đem con bỏ chợ! đăng trên Thanh Niên tháng 10.2009 về tình cảnh của 120 hộ dân bị giải tỏa ở dự án Thủ Thiêm, được bố trí tái định cư ở chung cư An Phú - An Khánh: “Ông Đặng Văn Hưng - ngụ tại căn hộ số 201 - lô B, đồng thời là tổ trưởng dân phố 64, khu phố 5, P.An Phú (Q.2) cho biết: “Toàn bộ 3 block A, B, C của khu chung cư này có 120 hộ dân hầu hết đều là dân bị giải tỏa tại khu đô thị mới Thủ Thiêm về đây từ đầu năm 2006. Thế nhưng, sau gần 4 năm về cư ngụ, các hộ dân vẫn liên tục kiến nghị và vô cùng bức xúc về những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết”. Ông Hưng cho rằng, những kiến nghị của 120 hộ dân ở đây rất chính đáng và tập trung nhiều nhất là ở những điểm sau: Thứ nhất, chất lượng chung cư xây dựng quá kém bởi các căn hộ trong mấy năm qua vẫn liên tục nứt trần, thấm dột vách, khi có sự cố người dân đục tường thì thấy toàn cát bên trong. Thứ hai, một khu chung cư gồm 3 block và có đến hơn 600 nhân khẩu cư ngụ nhưng không hề có nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị hư hỏng từ lâu. Thứ ba, không có nhà để xe nên khoảng 200 chiếc xe máy cứ tấp vào gầm cầu thang và lối đi cầu thang, khiến cho các cư dân lo ngại khi có cháy nổ xảy ra không biết thoát đường nào”.
Còn ở khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), với 12 block, quy mô hơn 1.000 căn hộ nằm trên trục liên tỉnh lộ 25B nối xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái, là nơi đưa dân Thủ Thiêm về ở, còn tệ hại hơn. Bài viết nói trên ghi lại tình cảnh của dân nơi đây như sau: “Bà Mai Thị Kim Huệ, ngụ ở căn hộ 111, lô B2 cho biết: “Hằng ngày phải thường xuyên đi trên liên tỉnh lộ 25B, chen chúc giữa hàng dãy xe container chạy với tốc độ kinh hồn khiến tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng”. Tuy nhiên, càng bức xúc hơn là về ngụ tại đây đã mấy tháng, nhưng bà Huệ cùng nhiều hộ khác vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách (Quyết định 06) của UBND TP.HCM đối với các hộ dân bị giải tỏa để xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. “Nhờ nhà báo nói giùm với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiền hỗ trợ cho dân. Ở đây có nhiều hộ bị giải tỏa từ năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Mỗi khi họp tổ dân phố, chúng tôi cũng đều bị truy hỏi về chuyện này”, một vị trong Ban quản trị chung cư Thạnh Mỹ Lợi nhắn nhủ.
Bán đảo Thủ Thiêm năm 2006 Diệp Đức Minh
Chưa hết, ở đoạn này mới thấy kinh hoàng hơn: “Nhiều hộ dân chỉ cho chúng tôi thấy bể nước sinh hoạt được xây ngầm, ngang với mặt sân và đậy một tấm bê tông không kín. "Mỗi khi trời mưa, nước lại tuôn xuống bể nước, hòa với nước ở trong bể. Sau đó, bơm áp lực lại bơm lên cho các hộ dân dùng, rất mất vệ sinh. Tôi thấy đối xử với dân tái định cư như vậy là rất bất công", một cư dân bức xúc phát biểu. Ngoài những chuyện trên, một số block tại khu chung cư này tuy mới được đưa vào sử dụng vài ba tháng nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp: tường bị nứt, bong thấm nước ở một số trần nhà tại các lầu 4, lầu 5… Tình trạng xuống cấp nhiều đến nỗi, chỉ trong tháng 9 vừa qua, có 30 hộ dân gửi phiếu yêu cầu sửa chữa căn hộ, khiến cho nhiều cư dân ở khu chung cư này bất an”!
Dẫn lại như thế, để thấy hình ảnh mà vị nữ giáo viên ví von ở trên có đúng hay không với cảnh của bao người bị cái vòng kim cô giải tỏa úp chụp lên đầu?
“Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình quản lý và sử dụng đất tại các địa phương, nhiều dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt nhưng sau vài năm đã phát sinh những bất hợp lý, chất lượng quy hoạch chưa cao, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đời sống nhân dân. Kết quả kiểm tra tại 51/64 tỉnh thành đã phát hiện 1.649 khu vực thuộc diện quy hoạch “treo” với tổng diện tích lên đến 344.665 ha”.
(Trích trong bài viết Đền bù giải tỏa ra sao để ổn định đời sống người dân? của PV Thanh Niên tháng 2.2009)

>> Đón đọc bài tiếp: Những chỉ số biết nói (!)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.