Việc chuyển hình thức đầu tư từ tư sang công nhằm gỡ vướng tiến độ, giúp các dự án cao tốc Bắc - Nam tăng tốc nhanh hơn thời gian tới.
Vốn tư gặp vướng
Trong số 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, tính đến nay mới khởi công được 3 dự án theo hình thức đầu tư công, với tổng vốn 14.279 tỉ đồng, gồm đoạn Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị), Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) và cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Vĩnh Long.
8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (tổng mức đầu tư 88.234 tỉ đồng, trong đó vốn BOT 51.702 tỉ đồng, vốn nhà nước 36.532 tỉ đồng) vẫn đang trong quá trình sơ tuyển nhà đầu tư (NĐT) - sau khi hủy vòng sơ tuyển quốc tế trước đó. Dự kiến tháng 10 tới mới chọn được NĐT thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, các dự án này đều có rủi ro không thực hiện được nếu ngân hàng không thu xếp được vốn vay cho các NĐT.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 12.3, nhiều ý kiến cho rằng việc huy động nguồn vốn từ xã hội để đầu tư cả 8 dự án PPP
cao tốc Bắc - Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức. Trên thực tế, NĐT dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức PPP vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng, dù nhà nước đã góp hơn 2.800 tỉ đồng vào dự án. Vì vậy, Thường trực Chính phủ nhất trí sẽ trình Quốc hội quyết định đưa 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công. Ngoài ra, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng được xem xét chuyển sang
đầu tư công.
Cụ thể, 3 dự án cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) dài 64 km, mức đầu tư dự kiến 12.918 tỉ đồng; đoạn từ QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km, mức đầu tư dự kiến 6.333 tỉ đồng; đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99 km, mức đầu tư dự kiến 14.359 tỉ đồng.
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc BQL dự án Thăng Long, đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết, cả hai dự án này tại vòng sơ tuyển trong nước đều có số lượng NĐT tham gia khá thấp. Cụ thể, dự án Mai Sơn - QL45 chỉ có 2 NĐT tham gia, phần vốn nhà nước cho giải phóng mặt bằng (GPMB) là 2.730 tỉ, vốn góp cho xây lắp là 1.003 tỉ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu và vốn vay của NĐT. Dự án Dầu Giây - Phan Thiết chỉ có 3 NĐT tham gia, trong đó vốn nhà nước cho GPMB, tư vấn... là 2.479 tỉ đồng, không có phần vốn cho xây lắp.
“Phần hỗ trợ vốn nhà nước tại 2 dự án này đều thấp, còn lại vốn chủ sở hữu và vốn vay của NĐT lên tới 70 - 80% tổng mức đầu tư dự án. Trong khi vay vốn ngân hàng hiện rất khó khăn, nên cả hai dự án đều không đủ sức hấp dẫn để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia”, ông Roãn cho biết và nói thêm sử dụng đầu tư công sẽ tránh được rủi ro hậu đấu thầu với các dự án PPP. “Kể cả đấu thầu thành công lựa chọn được NĐT, rủi ro tiến độ với các dự án PPP vẫn rất lớn, vì nếu NĐT không vay được vốn ngân hàng hoặc giải ngân từ ngân hàng tắc, dự án sẽ đổ bể”, ông Roãn đánh giá.
Quản lý chặt để tránh thất thoát
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết các dự án giao thông sử dụng vốn tư sắp tới sẽ rất khó khăn. Lý do không phải vì năng lực NĐT tư nhân hạn chế, mà do tắc trong khâu cấp tín dụng. Tỷ lệ vốn vay dài hạn cho giao thông đã vượt ngưỡng, nên việc cho vay sắp tới của các ngân hàng với dự án giao thông rất khó khăn.
Theo lãnh đạo
Bộ GTVT, việc chuyển các dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công sẽ tháo gỡ được bế tắc về vốn. Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên điều chỉnh với những dự án cấp bách nhưng ít sức hấp dẫn, còn lại vẫn cần huy động thêm vốn tư nhân để đa dạng hóa nguồn vốn, tránh gánh nặng cho ngân sách.
Cùng quan điểm này, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nhận định: “Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quỹ đầu tư cho phát triển hạ tầng. Như
Hàn Quốc có quỹ đầu tư, tư nhân huy động nguồn vốn rất dồi dào. Một số nước thì hợp tác liên ngân hàng để hỗ trợ vốn cho NĐT. Với các NĐT trong nước hiện nay, thách thức lớn nhất vẫn là lấy đâu ra vốn. Vì thế, dù tham gia dự tuyển rất hăm hở, về kỹ thuật, năng lực NĐT không vấn đề gì, nhưng khả năng triển khai dự án vẫn rất khó”.
Ủng hộ việc chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, đặc biệt là cao tốc, trong bối cảnh kinh tế đang đình trệ do nhiều tác động, song theo ông Chủng, cần đặc biệt quan tâm đến quản lý đầu tư công. Lý do thời gian qua nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn. “Cần quy trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, các địa phương được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tránh đi theo vết xe đổ trước đây với nhiều dự án đầu tư công, từ lựa chọn NĐT, nhà thầu, vấn đề tiêu cực trong quá trình thực hiện...”, ông Chủng đề nghị.
Xem xét áp dụng chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng, trong đó yêu cầu Vụ KH-ĐT phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc chuyển đổi đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư công với các dự án trọng điểm như: dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định NĐT, chỉ định nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo thời hạn báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Vụ KH-ĐT của bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới cảng hàng không Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, không được để xảy ra tình trạng chậm trễ như thời gian vừa qua.
|
Bình luận (0)