Dự án lưu lượng kém dễ “ế”
Từ 15.10, Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 (Bộ GTVT) đã phát hành hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư (NĐT) trong nước cho 2 dự án cao tốc Bắc - Nam là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nghi Sơn - Diễn Châu và đã bán được 8 bộ hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên. Chiều 16.10, Ban QLDA Hồ Chí Minh cũng mở bán hồ sơ sơ tuyển dự án Nha Trang - Cam Lâm, và tới sáng 17.10 đã có 6 NĐT mua hồ sơ sơ tuyển.
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA 2, cho biết sau khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển gói cao tốc QL45 - Nghi Sơn đã có 4 NĐT mua hồ sơ. So với vòng sơ tuyển trước đó có tới 14 NĐT cả nội và ngoại mua hồ sơ, thì con số 4 là quá ít, cho thấy các NĐT trong nước chưa thực sự quan tâm lắm. Vướng mắc lớn nhất với các NĐT trong nước vẫn là khả năng huy động vốn vay.
Đại diện Ban QLDA Hồ Chí Minh cho hay hiện tại việc bán hồ sơ sơ tuyển tương đối “đắt khách”, nhưng NĐT chỉ thực sự quan tâm đến các dự án hiệu quả - lưu lượng dự báo tốt, ví dụ như các đoạn tuyến từ Thanh Hóa - Vinh hay phía nam là Phan Thiết - Dầu Giây. Những dự án dự báo lưu lượng thấp sẽ gặp bất lợi do khả năng hoàn vốn chậm, rủi ro hơn cho NĐT sẽ khó hấp dẫn.
“Ngay trong bài thầu sơ tuyển đã chỉ rõ các rủi ro, như rủi ro về doanh thu không được như dự báo, rủi ro về quy hoạch (có thêm tuyến đường trong tương lai chia sẻ lưu lượng), rủi ro về lãi suất. NĐT và ngân hàng (NH) dự kiến tài trợ vốn, thậm chí còn mời tư vấn độc lập tính toán lại lưu lượng trước khi có quyết định tham gia đấu thầu hay không. Kiếm được NĐT là cực kỳ khó khăn”, đại diện Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết.
Ngân hàng “gật” thì dự án mới thông
Tuy giữ nguyên tiêu chí vốn (NĐT phải đảm bảo 20% vốn chủ sở hữu), song các tiêu chí năng lực kinh nghiệm đã được điều chỉnh giảm. Cụ thể, về năng lực kinh nghiệm, NĐT đủ điều kiện khi từng tham gia một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu, thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đó.
“Hạ tiêu chí nhưng số 1 vẫn phải là tài chính rõ ràng, mạch lạc. NĐT phải “khỏe mạnh” thì NH mới cho vay. Các liên danh trong nước hoàn toàn đủ khả năng về vốn chủ sở hữu, chỉ băn khoăn về vốn tín dụng. Các dự án PPP (hợp tác công tư) tới 80% là vốn vay NH, nên NH “gật” thì dự án mới thông. Như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận điều kiện rất thuận lợi, nhưng hơn 1 năm vẫn chưa nhận được cái “gật” đầu của NH”, đại diện một Ban QLDA cho biết.
Cũng theo ông này, trần cho vay với các dự án BOT giao thông đã tới ngưỡng, nên chỉ những dự án thực sự hấp dẫn về mặt doanh thu và NĐT uy tín thì mới thu hút được vốn vay NH.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ (ĐH GTVT Hà Nội), trước đó khi sơ tuyển quốc tế không thu hút được nhiều NĐT trong nước do điều kiện mời thầu khắt khe về vốn, tiêu chí kinh nghiệm, lãi suất… Với các điều kiện tương đối mở hơn hiện nay, NĐT trong nước có kinh nghiệm làm BOT nhưng khó khăn về tài chính, thì có thể liên danh với NĐT đủ tiềm lực tài chính để làm dự án. Tiêu chí huy động vốn vẫn là tiêu chí quan trọng nhất, vì vậy, NĐT nào không huy động được vốn vay NH, thì không nên tham gia đấu thầu.
PGS-TS Toản cho rằng, một trong những lý do khiến các NĐT mạnh không còn mặn mà khi tham gia các dự án BOT, do nhiều dự án trước đây đã không được tuân thủ đúng hợp đồng BOT đã ký kết, các vướng mắc BOT cũng chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để, mà dùng quyết định hành chính can thiệp nhiều vào quá trình tăng phí… “Chủ đầu tư phải tuân thủ đúng hợp đồng khi thực hiện cao tốc Bắc - Nam thì mới tạo được lòng tin với NĐT, thu hút được các NĐT thực sự mạnh”, ông Toản nói và đề xuất với các dự án không hấp dẫn, không đấu thầu thành công, nhà nước có thể thay đổi các tiêu chí theo hướng tăng phần vốn góp của nhà nước tại dự án để đỡ gánh nặng vốn cho NĐT.
Vụ Hợp tác công tư PPP (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định của luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày, thời gian thẩm định và phê duyệt khoảng 40 ngày. Dự kiến, công tác sơ tuyển NĐT sẽ hoàn thành trong tháng 4.2020, sau đó, Bộ GTVT mới tiến hành đấu thầu lựa chọn NĐT.
|
Bình luận (0)