Giống như bao địa phương vùng cửa sông, ven biển khác, năm nay, người dân H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng sốt sắng tìm cách ứng phó với hạn, mặn đến sớm và khốc liệt hơn mọi năm. Thiệt hại là khó tránh khi huyện có tới gần 5.000 ha đất trồng cây ăn trái, rau màu… Nhưng giữa bốn bề là nước mặn, người nông dân vẫn có những cách sản xuất mang lại hiệu quả và cũng cho thấy được sức sống mạnh mẽ của xứ cù lao.
Lão nông chuyển đổi cây trồng
Dẫn chúng tôi ra thăm 10 công mía sau nhà, ông Huỳnh Minh Trào (Năm Trào, 76 tuổi, một lão nông tri điền ở ấp Trương Công Nhựt, xã An Thạnh Đông, H.Cù Lao Dung) không khỏi âu lo: “Mấy hôm nay ảnh hưởng nước mặn, mía bị đỏ hết lá. Chất lượng mía thì không sao nhưng từ bữa có dịch bệnh Covid-19, thương lái họ nín thinh, không biết khi nào mới bán được”. Nỗi lo đầu ra cho cây mía khiến ông Năm Trào bất an hơn là hạn mặn bởi suốt mấy chục năm làm nông, ông đã quá quen với con nước nơi giáp ranh sông biển. Ông bảo, dân xứ cù lao giáp mặn lại sống nhờ vào trồng trọt nên chuyện phải nương theo con nước mặn - ngọt để canh tác là điều sống còn.
Theo Phòng NN-PTNT H.Cù Lao Dung, từ năm 2016 đến nay toàn huyện có hơn 2.600 ha đất trồng mía kém hiệu quả chuyển sang trồng các cây trái, rau màu và nuôi thủy sản. Hiệu quả bước đầu chuyển dịch là rất khả quan với thu nhập tăng lên cao hơn hẳn so với thu nhập từ trồng mía. Năm 2020, huyện tiếp tục lên kế hoạch chuyển đổi khoảng 680 ha mía sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn như thay bằng cây nhãn Ido, thanh nhãn, xoài, bưởi, dừa, rau màu khác.
|
|
Thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng cũng chẳng đánh gục được ý chí, đam mê với cây trồng của lão nông đã cận tuổi bát tuần. Đến giờ, ông Năm Trào vẫn tỏ ra năng động, uyển chuyển trong chuyển đổi cây trồng mà nhiều người trẻ khó theo kịp. Con cái đều đi xa lập nghiệp, hai vợ chồng ông Năm Trào vẫn xoay xở sản xuất quanh năm hơn 1,2 ha đất. Ông kể, từ sau mùa bưởi chết, ông dành phần lớn vườn trồng mía nước, tức loại mía thương lái mua đem bán cho người ép nước mía. Đây cũng là loại cây không cần quá nhiều nước tưới. “Cứ mỗi bó mía 12 cây bán 30.000 đồng. Năm ngoái vợ chồng tôi thu hoạch được 2.000 bó, tính ra cũng được 60 triệu đồng”. Chưa hết, ngoài vườn mía, vợ chồng ông Trào còn trồng thêm gần 1.000 m2 củ sắn để lấy giống. “Có một khoảnh vậy mà mùa trước cũng được 1,5 tấn củ và 60 lít hạt. Củ thì giá chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng hạt thì giá rất ổn định, bao giờ cũng từ 350.000 - 400.000 đồng/lít. Vậy là thêm được hơn 22 triệu đồng nữa”, ông Năm Trào phấn khởi kể và bật mí, trồng củ sắn muốn có hiệu quả phải căn chỉnh lịch thời vụ sao cho tránh những thời điểm thu hoạch đại trà ở những nơi khác. Ví dụ như ở H.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thu hoạch vào tháng 7; ở Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) thu hoạch vào tháng 9; Bến Tre là tháng 10 thì ông phải canh xuống giống tầm tháng 7 âm lịch để tới tháng 11, 12 là cho thu hoạch, như vậy chắc chắn củ sắn không lo dội hàng, mất giá.
“Xứ này hồi đó đất đai cù lao màu mỡ, thời tiết lại vô cùng thuận lợi. Năm nào tới tháng giêng là mặn nhưng tầm tháng 2, tháng 3 âm lịch là trời có mưa. Cứ thế coi trời, coi đất, mà làm. Còn bây giờ, thời tiết khó lường nên không còn cách nào khác là phải biết nương theo, có khi phải trồng mỗi thứ một ít mà bù qua đắp lại. Thất cây này thì vẫn còn có cây kia”, ông Năm Trào nói.
Siêng làm sợ chi nghèo
Cũng thuộc diện lão nông cao niên bậc nhất ở Cù Lao Dung, ông Lê Văn Tám (Tám Nhỏ, ở ấp Trương Công Nhựt, xã An Thạnh Đông) năm nay 83 tuổi vẫn một mình chăm sóc 6,5 công bưởi da xanh, năm roi. Dường như ai đi ngang tuyến lộ từ trung tâm H.Cù Lao Dung về xã An Thạnh Đông cũng đều phải đưa mắt nhìn vườn bưởi đang ra trái đẹp như mơ của ông Tám. Vốn là bạn bè “nông dân sản xuất giỏi” với nhau, ông Năm Trào vui vẻ cho biết bà con xung quanh không chỉ nể sự chăm chỉ, linh hoạt của ông Tám mà còn vô cùng ngưỡng mộ vườn bưởi của ông, bởi không hiểu sao quanh năm tươi tốt, bất kể mùa mưa hay mùa hạn mặn. Ông Tám Nhỏ cười khà và bảo, vườn bưởi cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập kha khá mỗi năm, đủ nuôi cả bầy con cháu.
“Nói cho ngay, trái bưởi này mấy năm rồi nó nằm giá cao mà hái bán khỏe lắm. Hồi trước tôi bán cho thương lái, nhưng mấy năm rồi toàn hái để trước nhà bán vậy mà cũng không đủ. Năm roi thì 20.000 - 25.000 đồng/trái; da xanh mắc hơn, tầm 35.000 - 40.000 đồng/trái, lễ tết có khi tăng gấp đôi”, ông Tám phấn khởi.
Dẫn người bạn già Năm Trào ra thăm vườn bưởi, ông Tám bảo chẳng có bí quyết gì ghê gớm để sống qua mấy đận hạn mặn. Cái quan trọng là nguồn nước và điện để bơm nước tưới. Chỉ tay về một vòi nước lộ thiên đã khóa, ông Tám nói: “Tôi cho kéo đường ống nước từ nhà qua đây. Mùa ngọt thì đâu có gì lo, bơm nước kinh tưới bao nhiêu chẳng được. Tới cuối mùa ngọt, mình trữ nước đầy mương trong vườn cho chắc ăn rồi thì mỗi ngày ra kinh nếm thử, nếu nước mặn quá mới xài đến nước trữ. Vừa tiết kiệm nước ngọt, vừa xài có mức độ nước ngầm, nhờ vậy mà vườn luôn đủ nước tưới”, lão nông 83 tuổi nói và chia sẻ thêm, để vườn bưởi luôn “sung mãn”, xanh tốt, ông mua phân bò để bón cây thay vì dùng phân hóa học. Những cây không còn khỏe, cho trái không được đẹp thì nên thay thế dần dần. “Cây èo ọt là mình trồng cây con vô để thay thế từ từ. Nhờ đó mà vườn bưởi của tôi đó tới giờ đâu có cây nào già cỗi, cho trái đèo đâu”, ông Tám đưa tay vỗ trái bưởi da xanh nói rồi đúc kết: “Người nông dân có đất càng ít thì càng phải siêng năng tìm mô hình sản xuất phù hợp với ruộng vườn của mình. Chứ đất ít mà không siêng năng, chịu khó tìm tòi thì hỏi sao không nghèo”.
Dứt lời, hai người bạn già Tám Nhỏ và Năm Trào lại rảo bước thăm vườn. Câu chuyện của hai lão nông tri điền xứ cù lao xoay quanh những gốc bưởi cứ thế diễn ra rôm rả, say sưa. (còn tiếp)
Bình luận (0)