Cứu doanh nghiệp như thế nào?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/09/2020 06:33 GMT+7

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa công bố khảo sát lần thứ ba, thực hiện vào tháng 8.2020, về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới.

Theo đó, 81% doanh nghiệp (DN) cho biết không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% cho biết phải trả tiền lương, bảo hiểm các loại và kinh phí công đoàn; 53% phải trả tiền vay ngân hàng, 76% DN không cân đối được thu chi và tác động của đợt dịch lần thứ 2 khiến 47% DN phải cắt giảm lao động.

Có doanh thu đâu để giảm thuế?

Trước những thực trạng trên, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN trong năm nay thay vì chỉ áp dụng với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng, giảm 50% các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm nay, thậm chí kéo dài sang năm sau.
Nếu coi doanh nghiệp như con bệnh thì phác đồ điều trị phải chỉ đúng bệnh mới chữa trị thành công. Các chính sách hỗ trợ của chúng ta được xây dựng trên phác đồ điều trị thiếu thực tế, thiếu tập trung
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Thiên Bút, một trong 15 nhà nhập khẩu thịt đông lạnh lớn phía nam, cho rằng nếu tình trạng kinh doanh thương mại dịch vụ tiếp tục “èo uột” đến hết quý 4 năm nay, số DN lớn chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh phía nam chỉ còn tồn tại được 20%. Thực tế, lượng hàng thực phẩm đông lạnh tồn ở cảng hiện cao hơn gấp đôi so với lúc cao điểm đợt dịch đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4.
Hàng tồn đã cả tháng nay, nếu để 2 tháng chưa lấy hàng thì tiền phí lưu kho lạnh bằng tiền hàng, coi như bỏ hàng luôn. “Số hàng này có đơn hàng đặt từ DN sản xuất thực phẩm trong nước trước đó. Nhưng dịch tái phát, họ bán hàng quá chậm. Thay vì lấy mỗi ngày 1 container, nay giảm xuống chỉ còn 6 - 7 container/tháng. Số còn lại gửi nhờ chúng tôi lưu kho.
Chuyên gia đề xuất nên có quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vượt dịch Covid-19 ẢNH: NGỌC THẮNG

Chuyên gia đề xuất nên có quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vượt dịch Covid-19

ẢNH: NGỌC THẮNG

Nhà nhập khẩu có thể “gánh” giúp 5 - 10 ngày, thậm chí nửa tháng, chứ giữ hàng cả tháng coi như lỗ nặng”, ông Phong nói và cho biết sản xuất kinh doanh đình trệ, người bán nhiều hơn cả người mua nên gần 50% DN phải cắt giảm lao động theo số liệu của Ban IV thống kê là “vẫn còn quá ít”.
“Đợt tái dịch mới thấy ảnh hưởng khủng khiếp. Nếu tài sản có 100 tỉ đồng, 3 tháng nữa vòng quay sẽ về 0. Lãi suất vay cũng tùy mối quan hệ giữa DN với ngân hàng chứ không có chính sách hỗ trợ nào cụ thể cả.
Thử hỏi mấy chục DN trong ngành, có ai nhận được hỗ trợ nhỏ nào liên quan vay ngân hàng không? Vậy chính sách hỗ trợ đợt 1 về đâu? Bây giờ lại báo cáo, trình, đề xuất, biết bao giờ DN mới nhận?”, ông Phong ngao ngán đặt câu hỏi.
Cũng tỏ tâm trạng bi quan trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thái Trang, Giám đốc Công ty may mặc thời trang Đ.T (TP.HCM), nhận xét bây giờ mới trình xin hỗ trợ DN, chờ được duyệt, nếu đồng ý thì DN cũng “được vạ má đã sưng”.
Riêng đề xuất cắt giảm 30% thuế thu nhập DN, theo bà Trang là thiếu thực tế. “Những đề xuất chỉ dành cho DN đang có doanh thu, lợi nhuận tốt. Trong khi 98% là DN từ bé đến bé li ti, nhỏ lẻ, làm ăn kiểu hộ gia đình và đang “chết” thực sự. DN của tôi đang cắt giảm gần 50% lao động, giảm giờ làm để cầm cự.
Doanh thu hàng may mặc giảm đến 70%, lợi nhuận hoàn toàn không có, thì tiền đâu đóng thuế để được giảm. Chúng tôi kêu gào khản cả tiếng để được hỗ trợ vay lãi thấp nhất trả lương nhân viên chưa được, xin giảm đóng bảo hiểm xã hội cho cả trăm công nhân cũng không, nay với những đề xuất quá trễ thế này, biết bao giờ DN được hỗ trợ thực sự?”, bà Trang phân tích.

Chỉ nhóm DN giàu mới tiếp cận được

Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, nói thẳng đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN nếu được thông qua cũng chẳng giúp được gì cho cộng đồng DN nói chung.
Bởi số DN tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng qua đã lên hơn 34.000 DN (tăng hơn 70%), DN quy mô dưới 10 tỉ đồng giải thể lên trên 9.000 DN, DN chờ giải thể hơn 24.000… Thế nên chỉ có nhóm DN có lợi nhuận, chẳng hạn trong ngành ngân hàng, dược phẩm… là nhóm “nhà giàu” có thể tiếp cận được hỗ trợ này, nếu có.
“Theo tôi, Việt Nam đừng loay hoay với chính sách giảm thuế nữa, không tác dụng vì lợi nhuận âm thì làm gì có chuyện đóng thuế mà giảm. Trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, các nước như Canada, Mỹ đều bơm tiền trực tiếp cho DN hoặc cho vay lãi suất 0% để trả lương nhân viên, trợ cấp 75% lương cho DN đủ một số điều kiện, cho hoãn các khoản thuế hàng hóa, thuế hải quan đến hết tháng 6. Canada cũng cung cấp khoản vay không lãi suất cho DN nhỏ, được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi Việt Nam mình đến nay, DN nhỏ không có tài sản không được vay, DN lớn vay phải thế chấp và mức lãi vay của mỗi DN thế nào không được công bố rộng rãi, chỉ theo thỏa thuận với ngân hàng”, ông Robert Trần phân tích.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, cho rằng lúc này chỉ có DN khỏe và yếu. Đề xuất giảm thuế chỉ dành cho DN khỏe, trong khi số DN chết lâm sàng lại quá lớn. Nên chính sách hỗ trợ DN vượt Covid-19 thực tế “chưa hỗ trợ gì cả” vì hiệu quả không cao, trong khi Chính phủ mất “tiền tươi thóc thật”. “Nếu coi DN như con bệnh thì phác đồ điều trị phải chỉ đúng bệnh mới chữa trị thành công. Các chính sách hỗ trợ của chúng ta được xây dựng trên phác đồ điều trị thiếu thực tế, thiếu tập trung”, ông Quân nói.

Bớt các điều kiện cho vay ưu đãi

Với gói hỗ trợ DN 250.000 tỉ đồng đợt 1, Tổng cục Thống kê ước chỉ khoảng 20% số DN đáp ứng được gói hỗ trợ này. Điều đó có nghĩa là 80% số DN còn lại chưa tiếp cận được gói hỗ trợ thứ nhất. Thế nên, quan điểm chung là muốn hỗ trợ lần 2, phải có rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, đặc biệt có chính sách giảm áp lực tài chính trong ngắn hạn...
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng những gói tài chính hàng chục hay hàng trăm tỉ với cách làm hỗ trợ xoay quanh giảm thuế, phí lúc này vừa không hiệu quả vừa ngoài khả năng của Chính phủ. Đại dịch đến, cả nền kinh tế gặp khó, doanh thu giảm, các loại thuế đều giảm. Như vậy, nguồn thu ngân sách giảm mạnh.
Trong khi đó, Chính phủ phải chi chống đỡ dịch, chi hỗ trợ DN đợt 1 tuy hàng trăm tỉ đồng, nhưng như “muối bỏ bể”, nay chi nữa, lấy tiền đâu? “Theo tôi, nên có quỹ bảo lãnh cho vay, Chính phủ bảo lãnh để hỗ trợ DN nếu có dự án tốt, DN khát vọng vượt dịch để làm giàu, kể cả DN vừa và nhỏ nhằm giảm áp lực tài chính. Trong quá trình rà soát, phải lưu ý DN có dự án tốt, có tương lai được ưu tiên hơn chứ hỗ trợ kiểu bổ đồng rất khó”, ông Thịnh đề xuất.
Ông Robert Trần đề xuất nên “dọn” bớt các điều kiện cho vay ưu đãi để DN có thể tiếp cận được sự hỗ trợ tốt nhất. Theo ông Robert Trần, DN từng đóng thuế tốt, sử dụng lao động nhiều, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nay trong khó khăn, phải giúp họ trụ vững bằng chính sách vay không lãi để trả lương hay tái cấu trúc. DN nhỏ không có tài sản nhưng có dự án tốt nên cho vay mà không đòi hỏi tài sản thế chấp hay doanh thu. “Để việc hỗ trợ thực tế, công bằng, nên công bố cụ thể các DN đã được hỗ trợ và lộ trình cụ thể thế nào trước khi tính tiếp chính sách hỗ trợ lần 2, lần 3”, ông Robert Trần nhấn mạnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 quy định chi tiết trình tự, thủ tục về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được lùi hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 3 -10, nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh.
Các DN được nộp thuế từ tháng 3 - 6 chậm 5 tháng. Theo đó, hạn nộp thuế của tháng 3 chậm nhất vào ngày 20.9, tháng 4 là 20.10, tháng 5 là 20.11 và tháng 6 sẽ là 20.12. Với các khoản thuế phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 7 - 10, hạn nộp chậm nhất cũng vào ngày 20.12.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.