Đà Nẵng 'chẩn trị' PCI

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
30/08/2018 17:04 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, TP.Đà Nẵng đã 3 lần đối thoại rộng rãi với các doanh nghiệp nhằm “gỡ” lại chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) bị tụt hạng.

Năm 2017, sau 4 năm liên tiếp đứng đầu cả nước, PCI của TP.Đà Nẵng tụt xuống thứ 2. Có đến 7 chỉ số thành phần tụt hạng, trong đó thành phần “Chi phí không chính thức” tụt 3 bậc xuống thứ 5; “Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo” rớt 5 bậc, xuống thứ 6. Đáng chú ý, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” thấp nhất trong 5 năm qua, tụt 19 bậc xuống đến vị thứ 20. Tương tự, “Cạnh tranh bình đẳng” tụt 19 bậc, xếp thứ 37.
Trong các cuộc gặp gỡ giữa đại diện chính quyền thành phố với các hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN), doanh nhân, đã có nhiều giải pháp từ hiến kế của DN nhằm nâng cao PCI.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng, thẳng thắn chỉ ra chi phí không chính thức là thước đo của tham nhũng, công chức gây khó dễ hoặc DN chủ động đưa tiền để thủ tục nhanh chóng. Từ đó, ông đề xuất cải thiện chỉ số bằng “3 giảm” (giảm thủ tục, thời gian, chi phí) và tăng cường ứng dụng CNTT, hạn chế người dân gặp cán bộ.
Chính quyền đứng về phía doanh nghiệp
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đơn cử nạn “chạy” đưa 5-10 triệu đồng cho cán bộ để được cấp nhanh sổ đỏ, giấy phép xây dựng...; có tình trạng đến kỳ hẹn thì bị cán bộ lại... hẹn thêm 5-10 ngày vì thiếu thủ tục này kia, do văn bản quy định rất mập mờ. Vì vậy, ông Thơ đề nghị phải nghiên cứu đánh giá các sở, ngành tương tự PCI.
“Sở KH-ĐT là trung tâm giải quyết khó khăn DN, nhưng ít khi cán bộ đề xuất. Chỉ khi DN có đơn thư, cấp trên bắt giải trình thì mới báo cáo lên. TP đã giao Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội thống kê PCI cấp sở, ngành, chỉ rõ đơn vị được - yếu, thủ tục nhanh - chậm để cuối năm kiểm điểm”, ông Thơ nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội khẩn trương để cuối năm có cơ sở đánh giá kiểm điểm. “Chấm dứt tình trạng cuối năm thấy ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nhưng bụng tức anh ách”, ông Nghĩa bình luận.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng, bộ chỉ số đánh giá sở ban ngành khác với PCI vì PCI đồng nhất các tỉnh thành, còn mỗi sở ban ngành có chức năng nhiệm vụ khác nhau nên phải lập từng tiêu chí riêng. Hiện tại, Viện đang thu thập dữ liệu để làm đánh giá cho TP.Đà Nẵng, và Quảng Nam cũng đặt hàng.
Giấy phép, thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện tốn từ 4-9 tháng, một quãng thời gian quá lâu theo phản ánh của ông Lê Minh Phúc, Giám đốc Vina Capital Đà Nẵng. Chính ông Phúc cũng gợi ý TP.Đà Nẵng nên rút ngắn 1-2 tháng bằng cách nâng cao năng lực các tư vấn địa phương, có thể cho phép 2-3 tư vấn cho các lĩnh vực phức tạp.
Đây chính là lý do khiến lãnh đạo TP.Đà Nẵng đề xuất nghiên cứu mô hình DN nộp hồ sơ, hết thời hạn mà cơ quan chức năng không giải quyết thì DN đương nhiên được làm. Ngược lại, cơ quan công quyền sẽ bị xử lý trách nhiệm. Thậm chí, sau khi DN nộp đủ hồ sơ, cơ quan chức năng không trả lời, DN triển khai thực hiện… nhưng có xảy ra tranh chấp với cơ quan công quyền thì chính quyền phải đứng về phía DN.
“TP đang cố gắng phá vỡ tình trạng cán bộ không dám làm - nghĩ - tham mưu. Trong 2 tháng tới sẽ quyết liệt thay đổi nhân sự, giải quyết những sở đang vướng, đang khó, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn cho DN”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.