Thêm một thước đo là thêm một sức ép

Chí Hiếu
Chí Hiếu
18/08/2018 10:22 GMT+7

Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC), báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao.
Trước hết, dựa vào kết quả của chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, ban ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các bộ, ngành và địa phương. “Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không muốn rời bỏ quyền lợi”, ông Dũng chia sẻ.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC của Văn phòng Chính phủ, ông Ngô Hải Phan, cho biết thêm trên thực tế, hiện đã có nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá về các TTHC, như chỉ số môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới. Ở trong nước thì hằng năm, chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)...
Tuy nhiên, chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2018 là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi TTHC. APCI 2018 bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của VN và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm TTHC và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Đây cũng được coi là chỉ dấu cho các cơ quan nhà nước ở T.Ư tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát TTHC, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý.
Trong khi đó, từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng các cơ quan quản lý không nên chỉ nhìn vào các con số, mà quan trọng hơn là phải nắm được các chỉ số được thiết kế như thế nào. Cùng với đó, theo doanh nhân này, các nhà điều hành cũng phải tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, hay do lãnh đạo không quan tâm? Từ đó mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Cắt giảm thủ tục giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng
Cải cách thủ tục hải quan đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều về thời gian lẫn chi phí Ảnh: Phạm Hùng
Báo cáo của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC tổng hợp từ các báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, lợi ích của việc cắt giảm thủ tục mang lại rất lớn. Ví dụ: Với lĩnh vực hải quan, năm 2016 các doanh nghiệp phải tốn 28,8 triệu ngày công cho kiểm tra chuyên ngành với chi phí 14.200 tỉ đồng. Đến năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD, với trên 11 triệu tờ khai của năm doanh nghiệp đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.500 tỉ đồng); tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu.
Hay về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm hoàn toàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 5 nhóm sản phẩm, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), giúp tiết kiệm gần 2,9 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỉ đồng. Như vậy việc thực hiện cải cách đã góp phần giảm tiêu cực rất nhiều so với thời gian trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.