Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến, thì các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ thực hiện kiểm định 10 thiết bị phục vụ đăng kiểm xe cơ giới hàng năm. Trong khi đó, Cục Đăng kiểm đang thực hiện việc này từ trước đến nay, theo nghị định 63 của Chính phủ.
Theo các trung tâm đăng kiểm, ngoài chịu thêm 1 đơn vị kiểm định mới, các trung tâm vẫn được kiểm định hàng năm bởi Cục Đăng kiểm. Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V (Hà Nội) cho rằng, nếu giao cho quá nhiều đơn vị kiểm tra sẽ dẫn đến chồng chéo. Để "kiêm tra chéo" tránh phát sinh tiêu cực, có thể quy định về một đầu mối là Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý thực hiện đối với các dây chuyền thiết bị chuyên ngành và Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thanh kiểm tra, hậu kiểm xác suất dây chuyền kiểm này.
Có trường hợp do hạn đăng kiểm còn dài nên chủ xe chủ quan, khi đến trung tâm mới biết bị phạt nguội 15 lần.
Lo phát sinh chi phí khi người dân đăng kiểm
Các đơn vị đăng kiểm cũng bày tỏ lo ngại giá kiểm định phương tiện đo nhóm 2 quá cao. Theo thông báo của Viện Đo lường Việt Nam rơi vào khoảng trên 55 triệu đồng/dây chuyền kiểm định, so với chi phí kiểm tra hiện nay là 3,1 triệu đồng/dây chuyền, thì gấp gần 20 lần. Trung bình có từ 2 - 3 dây chuyền hoạt động, mỗi đơn vị đăng kiểm có thể phát sinh khoảng 180 - 200 triệu đồng mỗi năm.
Hiện mức thu phí đăng kiểm đang được xây dựng trên cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ công, với mức giá do Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính quy định là 240.000 đồng với ô tô dưới 10 chỗ ngồi vẫn ở mức 240.000 đồng; xe tải có khối lượng hàng được chở đến 2 tấn là 280.000 đồng; xe tải được chở trên 2 - 7 tấn là 320.000 đồng. Các mức lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm gồm 100.000 đồng/lần/xe con và 50.000 đồng/xe tải.
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2903V cho rằng, với giá thành kiểm định phương tiện hiện nay tương đối thấp, chỉ đủ các đơn vị trả lương công nhân viên và tái đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo đại diện một đơn vị đăng kiểm, với nguồn thu phí kiểm định hiện tại theo quy định, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới rất khó đáp ứng được các chi phí kiểm định, đo lường các phương tiện đo nhóm 2 theo quy định mới này. Nếu phí kiểm định hàng năm đội thêm 100 - 150 triệu đồng, sẽ phải đề xuất tăng chi phí đăng kiểm lên để bù đắp, nhưng nếu tăng chi phí sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân đi đăng kiểm.
Mới đây, Cục Đăng kiểm đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ không đưa các bộ phận thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiếm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2. Liên quan đến kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trước việc quản lý chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các thiết bị kiểm định xe cơ giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền.
|
Bình luận (0)