Tìm kế giữ chân du khách
Nằm cách trung tâm TP khoảng 50 km,
Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về thực vật cũng như động vật, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển
thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Có quá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng Cần Giờ sau bao năm vẫn chỉ là “người đẹp ngủ say” chờ mãi chưa có người đến đánh thức.
Nếu kết hợp mục tiêu cả giảm tải dân số và phát triển du lịch thì đô thị du lịch lấn biển sẽ tác động rất tốt đến sự phát triển cả kinh tế và xã hội của TP.HCM
TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam
|
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khách đến Cần Giờ chiếm khoảng 25 - 30% tổng lượng khách tới TP.HCM, nhưng doanh thu chiếm chưa tới 1%. Mỗi khách đến đây chỉ chi tiêu khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Thời gian qua, cả Sở Du lịch TP và các doanh nghiệp lữ hành liên tiếp thực hiện nhiều cuộc khảo sát, xây dựng nhiều tour, tuyến mới nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn du khách.
Trưởng phòng marketing một công ty du lịch chuyên dẫn tour nội địa thông tin: Vài năm trước, có thể tổ chức trung bình 1- 2 tour/tuần, nhưng 1 - 2 năm trở lại đây, số lượng tour Cần Giờ đã giảm mạnh, chỉ còn 5 - 6 tour/năm. Khách đặt tour đi Cần Giờ rất ít, cả khách nước ngoài và trong nước. Nếu không giới thiệu chưa chắc họ chọn Cần Giờ.
“Khách tới Cần Giờ đa phần mới chỉ dừng ở việc đến coi, các dịch vụ bổ trợ không có. Khách Nhật Bản rất hứng thú với các tour trồng rừng
bảo vệ môi trường tại Khu du lịch sinh thái Dần Xây nhưng hầu hết cũng đi 1 lần rồi thôi. Nhìn chung lượng khách thấp và tỷ lệ khách quay lại gần như bằng không”, vị này cho hay.
Từng khảo sát Cần Giờ khi tìm cơ hội khai thác thủy phi cơ
du lịch, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, đánh giá nếu bay thủy phi cơ hoặc trực thăng ngắm Cần Giờ từ trên cao thì sẽ thấy rất đẹp. Tuy nhiên dưới đất thì chưa có gì để giữ chân du khách được hơn một buổi. Phong cảnh rừng ngập mặn và sông nước chỗ nào cũng giống nhau, đi thuyền vài giờ xem là đủ.
“Nếu muốn biến Cần Giờ thành một điểm du lịch lớn, có nhiều du khách Việt Nam và quốc tế đến, lưu lại dài ngày thì phải đầu tư rất nhiều hạng mục. Không thể phát triển du lịch ở đâu mà lại không đầu tư tiền bạc, công sức. Cần Giờ đến nay vẫn chỉ dừng là tiềm năng là do chưa được đầu tư”, ông Nam nhận định.
Phát triển du lịch là chủ đạo
Là người tham gia quy hoạch du lịch TP.HCM từ năm 1996, khi Rừng Sác còn chưa được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, cho biết thời điểm đó, các chuyên gia đã xác định Cần Giờ là một kho tài nguyên quý báu của TP.HCM.
Ông Lương phân tích TP là một đô thị lớn, tài nguyên tự nhiên rất hạn chế, sản phẩm du lịch chủ yếu chỉ là các di tích, công trình gắn với đô thị. Do đó, Rừng Sác ngoài ý nghĩa là “lá phổi xanh” còn có ý nghĩa quan trọng là khai thác các giá trị về cảnh quan, hệ sinh thái ngập mặn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP. Không chỉ là điểm đến để tham quan, du lịch sinh thái mà Cần Giờ còn là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng theo 2 hướng: nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng trong rừng.
“Thời điểm đó, chúng tôi đã có phương án khai thác Cần Giờ cho phát triển TP.HCM, nhưng rất tiếc là gần 30 năm trôi qua, ngành du lịch huyện đảo chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ, manh mún. TP.HCM chưa thực sự quan tâm, để lãng phí một giá trị rất lớn trong thời gian quá dài. Đây thật sự là điều đáng tiếc đối với du lịch TP.HCM nói riêng và cả khu vực Đông Nam bộ nói chung”, ông Lương nhận định.
Theo ông Lương, từ cách đây 20 năm, Cần Giờ đã được quy hoạch xây dựng một
đô thị du lịch, chức năng chính là du lịch, phục vụ cho nhu cầu của du khách, ngư dân địa phương sẽ là người hưởng lợi. Đây là hướng đi đúng vì ngoài mục tiêu
phát triển kinh tế, đô thị này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn đó là giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân khi quy mô dân số của TP.HCM tăng.
“Tiếc là cho đến giờ vẫn chưa được thực hiện và mới đây mới được Thủ tướng thông qua. Nếu kết hợp mục tiêu cả giảm tải dân số và phát triển du lịch thì đô thị du lịch lấn biển sẽ tác động rất tốt đến sự phát triển cả kinh tế và xã hội của TP.HCM”, vị này nhấn mạnh.
Đồng tình, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận xét: Thời gian qua, kinh tế, xã hội huyện đảo này cứ làng nhàng, phát triển chậm chạp, lãng phí bao nhiêu tiềm năng là do hạn chế về mặt tầm nhìn, coi nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo. Với tất cả tài nguyên hiện có, lẽ ra Cần Giờ phải luôn luôn đặt mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch là chủ đạo. "Giờ Chính phủ đã phê duyệt dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ, định hướng du lịch là ngành kinh tế chủ lực của huyện đảo. Có thể nói, huyện đảo này đang ở giai đoạn cực kỳ thuận lợi để phát triển. Dự án đã tìm được nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực và nhận được sự đồng thuận lớn của người dân địa phương về định hướng phát triển lấy du lịch làm gốc. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tiềm năng của Cần Giờ không thể lãng phí thêm được nữa"- ông Châu nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu :
Dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hình thành sẽ tạo ra sức bật mới cho huyện đảo này. Một bộ phận lớn người dân sẽ nhanh chóng vươn lên đáp ứng chuẩn đô thị, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống, người dân hưởng lợi đầu tiên. Đồng thời, nơi đây cũng sẽ trở thành hấp lực thu hút một lực lượng không nhỏ phục vụ cho ngành du lịch, góp phần giảm tải đô thị, thúc đấy kinh tế TP.HCM phát triển mạnh mẽ.
|
Bình luận (0)