Doanh nghiệp muốn tìm vắc xin cùng Chính phủ

31/05/2021 06:00 GMT+7

Không chỉ đóng góp nguồn lực cho quỹ vắc xin phòng Covid-19 , rất nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn tham gia cùng Chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu vắc xin.

Doanh nghiệp sẵn sàng nhập khẩu trực tiếp vắc xin

Tại cuộc họp vừa qua cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quan điểm của Việt Nam (VN) là tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất. Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 như: đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vắc xin để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các DN này tại VN; xây dựng cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vắc xin…
Trên thực tế, rất nhiều hiệp hội, DN đã bày tỏ nguyện vọng “chia lửa” với Chính phủ trong việc tìm nguồn nhập khẩu vắc xin. Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham), đánh giá VN là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Việc nhanh chóng đóng cửa biên giới cùng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và giãn cách xã hội tại các tỉnh, TP đã giúp giữ sự lây lan dịch bệnh ở mức thấp và cho phép các hoạt động kinh doanh trong nước vẫn được duy trì. Tuy nhiên, đây không phải là một biện pháp lâu dài mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi biên giới của VN bị đóng, các quốc gia khác đã và đang triển khai tiêm chủng và dần mở cửa lại với thế giới. Vì vậy, hiện nay có một nguy cơ thực sự là VN có thể bị tụt hậu nếu không triển khai chương trình tiêm chủng đại trà với tốc độ nhanh và quy mô lớn.
“Mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số của Chính phủ VN là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế, yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của VN. Khu vực tư nhân - bao gồm cả DN nước ngoài - có thể giúp đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng của VN. Các DN từ châu Âu có thể cung cấp các thiết bị hàng đầu trên thế giới và cả chuyên môn quốc tế cần thiết nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng hàng loạt thành công. Cho phép các DN tự tìm mua thêm các nguồn vắc xin khác sẽ giúp VN nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân”, đại diện EuroCham khẳng định.
Đồng tình, Hiệp hội Dệt may VN (VITAS) cũng cho rằng nếu Chính phủ mở ra cơ chế cho phép khu vực tư nhân tham gia cùng tìm, thương thảo và đàm phán mua thì quá trình tiếp cận vắc xin của VN sẽ nhanh hơn. Trong liên minh Hiệp hội DN Việt - Mỹ có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vắc xin. Họ cũng đảm bảo, chịu trách nhiệm đưa hàng về VN, sau khi vắc xin được cơ quan y tế kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn mới thanh toán. Quá trình này dựa trên nguyên tắc DN chia sẻ chi phí, tìm kiếm nguồn vắc xin nhưng Bộ Y tế sẽ trực tiếp kiểm định chất lượng, xuyên suốt từ cấp phép lưu hành và triển khai các hoạt động liên quan tới tiêm chủng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Góp hàng ngàn tỉ đồng cho quỹ vắc xin

Báo cáo tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỉ đồng cho việc mua vắc xin phòng Covid-19. Trong tuần tới Bộ sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động quỹ vắc xin, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỉ đồng, gồm 1.000 tỉ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỉ đồng qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các DN nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỉ đồng.
Thực tế, ngay từ trước khi Thủ tướng chính thức lên tiếng kêu gọi, huy động mọi nguồn lực cho quỹ vắc xin phòng Covid-19, hàng loạt DN công bố đóng góp nguồn lực cùng Chính phủ để đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho cộng đồng người dân. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup đã trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trước đó, thông qua việc tài trợ 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 “Made in Vietnam”, sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... Vingroup đã đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch của VN số tiền lên tới trên 1.277 tỉ đồng trong năm 2020.
Cùng Vingroup, 4 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cũng đã trao tặng 100 tỉ đồng (mỗi ngân hàng 25 tỉ đồng) và Tập đoàn Sovico Group thông qua HDBank đóng góp 60 tỉ đồng vào quỹ mua vắc xin phòng Covid-19, giúp Bộ Y tế nhanh chóng huy động được từ phía DN 160 tỉ đồng cùng 4 triệu liều vắc xin chỉ trong 1 ngày.

Kinh nghiệm xã hội hóa của Indonesia

Theo chia sẻ của một thành viên Hội đồng cấp phép lưu hành thuốc/vắc xin, Bộ Y tế đứng ra đàm phán, mua vắc xin. Ngoài ra, các DN có thể tự nhập khẩu, phân phối tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, DN tự nhập khẩu cũng cần có các điều kiện cơ bản như: có chức năng nhập khẩu dược; có điều kiện về kho bảo quản (bảo quản vắc xin Covid-19 đòi hỏi điều kiện rất cao). Song, việc nhập khẩu cũng còn khó khăn do tiếp cận vắc xin và giá cao (đàm phán Chính phủ giá thường sẽ thấp hơn hẳn, dù cùng 1 vắc xin, nhà cung ứng). Bộ Y tế đang xây dựng đề án cung ứng vắc xin phòng dịch, sẽ có các hướng dẫn cụ thể về tiếp nhận, phân phối vắc xin Covid-19, bao gồm việc triển khai tiêm dịch vụ.
Trong khi đó, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc đối ngoại và truyền thông PepsiCo, gợi mở mô hình chương trình “Hỗ trợ song hành vắc xin” của Indonesia đã có những mục tiêu hết sức táo bạo. Cụ thể, chính phủ Indonesia cho phép DN đóng góp mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động và gia đình (chi phí khoảng 1,6 triệu đồng). Chương trình do Kadin (Phòng Thương mại Indonesia) và các hiệp hội DN phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai. Tính đến ngày 22.5, tại quốc gia này đã có 22.000 DN tham gia với 2 mục tiêu chính: thứ nhất, sẽ có khoảng 80 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8 - 9.2021; thứ hai, đạt 2/3 dân số tiêm chủng vào tháng 3.2022.
Bộ Y tế Indonesia chỉ định đầu mối là công ty và cơ sở y tế được ủy quyền để nhập khẩu và tiêm chủng. Kadin và các hiệp hội nộp danh sách tiêm, Bộ Y tế sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia để đưa người được đăng ký sang danh sách khác, tránh việc trùng lặp. Cuối cùng, DN đăng ký mua và tiêm vắc xin. Indonesia cũng đề ra một số quy định khác như: chương trình này phải áp dụng các loại vắc xin khác với chương trình của chính phủ, các vắc xin theo quy định là được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế chấp thuận và chỉ định hệ thống bệnh viện tư nhân tham gia.
Liên Châu - Tiêu Phong
Bên cạnh quỹ vắc xin của Chính phủ, rất nhiều cộng đồng DN, tổ chức xã hội đã tài trợ trực tiếp cho công cuộc đẩy nhanh tiêm vắc xin tại từng địa phương. Ngày 28.4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã tiếp nhận trực tiếp 10 tỉ đồng số tiền ủng hộ cho quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, từ Tập đoàn Hòa Phát. Tính đến nay, Hòa Phát đã ủng hộ 87 tỉ đồng hỗ trợ các bộ ngành, địa phương phòng chống dịch, riêng tỉnh Hải Dương là hơn 13 tỉ đồng.

Để doanh nghiệp chủ động

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thông điệp Thủ tướng nhấn mạnh là đẩy nhanh việc nhập khẩu và tiêm chủng vắc xin, tận dụng mọi mối quan hệ ngoại giao, các hiệp hội DN nước ngoài tại VN... để nhập khẩu được vắc xin là tư duy đổi mới, tích cực và quan trọng để phòng chống dịch lâu dài. “Chừng nào có vắc xin, chừng đó chúng ta mới yên tâm sản xuất và giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất có thể xảy ra”, bà Lan nhấn mạnh và cho rằng Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần đưa ra công khai những loại vắc xin nào DN có thể nhập khẩu theo tiêu chuẩn thế giới đã làm lâu nay, không để DN loại nào cũng mua mà không thuộc danh sách quy định. Còn lại mọi thứ để DN chủ động.
“Phải hiểu lúc này chúng ta đang chạy đua với thời gian để có vắc xin và cuộc đua vắc xin cũng đang đồng hành với cuộc đua duy trì nền kinh tế. Cả hai đều quan trọng và cấp thiết như nhau. Mọi chính sách được đưa ra sớm ngày nào hay ngày đó và có giá trị cao hơn, dù chỉ sớm hơn một ngày”, chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
Nguyên Nga
Trước đó, từ trung tuần tháng 4, Tập đoàn Novaland cũng đã trao tặng 11 tỉ đồng kinh phí mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho Ủy ban MTTQ VN TP.HCM. Tính đến ngày 27.5, MTTQ VN TP.HCM đã tiếp nhận hơn 2.077 tỉ đồng ủng hộ của người dân và DN để mua vắc xin cho nhân dân trên địa bàn đợt này. TP.HCM cũng đã quyết định dành 510 tỉ đồng từ số tiền quyên góp trên để chia sẻ với cả nước chuyển về Ủy ban T.Ư MTTQ VN...
Có thể thấy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng DN trong đại dịch là rất đáng tự hào, rất đáng ngưỡng mộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.