Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
20/05/2020 12:20 GMT+7

Đó là một trong những nội dung được trao đổi tại hội thảo khoa học “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19 ” ngày 20.5.

Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế-Luật (UEL) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM (VNUHCM-IBT) đồng tổ chức.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng của toàn ngành ngân hàng tính đến đầu tháng 5 tăng 1,2%, nhưng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lại giảm 0,8%. "Dịch trong nước hiện nay đã được kiểm soát nhưng trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn nên cần có những lựa chọn chính sách sao cho phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế"- ông Tú nhấn mạnh.
Với quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), ngành ngân hàng (NH) vẫn đặt giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 13 - 14% như khi chưa có dịch, đặc biệt là khối khách hàng SME. Tuy nhiên, vướng mắc là năng lực tài chính của DN yếu quá, không minh bạch tài chính, không có tài sản thế chấp, không kiểm soát được dòng tiền… nên khó tiếp cận vốn NH. 
Ông Đào Minh Tú cho hay chính sách tiền tệ trong 10 năm qua linh hoạt và sắp tới cũng sẽ đi theo hướng này để ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Cụ thể, các loại lãi suất điều hành đã giảm 3 đợt từ cuối năm 2019 đến nay để các NH có cơ sở giảm lãi suất cho vay; hàng triệu khách hàng cũng đã được hưởng mức lãi suất giảm, cho vay ưu đãi 5%...
Với mức lãi suất hiện nay, TS Trần Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) cho rằng đã giảm nhưng vẫn còn là gánh nặng cho người đi vay. Trong bối cảnh lạm phát ở dưới 4%, NHNN vẫn còn có thể giảm thêm lãi suất hỗ trợ DN. Thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, chính sách cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi, mức độ ổn định đầu ra sản phẩm, hỗ trợ cho các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thủy sản, nông nghiệp… Việc xác định ngành ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên ít nhất hai yếu tố là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định của đầu ra của sản phẩm. Những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung.
Trường Đại học Kinh tế-Luật và VNUHCM-IBT đặt giả thuyết, nếu tình hình Covid-19 kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, hoạt động các DN bị ảnh hưởng nặng nề hơn thì trong các quý tới cho vay cá nhân có thể giảm 20 - 25% và cho vay DN có thể giảm đến 30 - 40%. Vì vậy, theo các chuyên gia của VNUHCM-IBT, trong thời gian tới, các NH nên ưu tiên chú trọng tái cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn.
Ngoài chính sách tiền tệ, các chuyên gia của VNUHCM-IBT đề xuất các khuyến nghị về chính sách tài khóa ngắn hạn và trung hạn như cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương; nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỉ đồng trong năm 2020…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.