Cả nước tiết kiệm được hơn 84.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của 34 bộ, cơ quan ở Trung ương, 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (cập nhật đến ngày 5.5.2021) được gửi tới phiên họp Ủy ban Thường vụ 56 ngày 27.5, thì 117 cơ quan đơn vị này đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỉ đồng.
Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là hơn 50.628 tỉ đồng còn tiết kiệm tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỉ đồng.
Trong số 117 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tỉnh, thành, tính về số tiền tiết kiệm ở cả 2 mục là ngân sách, vốn nhà nước và vốn tại doanh nghiệp thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỉ đồng.
Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỉ đồng. Trong đó, hơn 9.162 tỉ đồng là tiền tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước, và hơn 1.124 tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được là hơn 6.558 tỉ đồng. Là doanh nghiệp nên tiền tiết kiệm của Tập đoàn Dầu khí là tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội tiết kiệm được gần 4.000 tỉ đồng.
Xếp thứ 5 về số tiền là Bộ Quốc phòng với số tiền tiết kiệm được là hơn 3.700 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền là tiết kiệm ngân sách và vốn nhà nước.
Bộ Tài chính cũng tiết kiệm được hơn 2.059 tỉ đồng; trong đó 785 triệu đồng là tiền vốn tại doanh nghiệp, số còn lại là tiết kiệm ngân sách nhà nước.
10 cơ quan đơn vị tiết kiệm được từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng, gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Yên Bái, Bình Dương.
Trong số 117 cơ quan thì TP.HCM, Đồng Tháp chưa có báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và số tiền tiết kiệm được. Thông tấn xã Việt Nam không có dữ liệu về số tiền tiết kiệm được trong năm 2020.
Ngoài 3 địa phương, đơn vị trên thì 5 đơn vị, địa phương tiết kiệm được ít nhất gồm: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (327 triệu đồng); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (hơn 1,3 tỉ đồng); Tổng công ty Lương thực miền Bắc (hơn 2,6 tỉ); Bộ Xây dựng (gần 4,6 tỉ đồng); Đài truyền hình Việt Nam (hơn 5,7 tỉ đồng).
Cả 5 đều thuộc khối bộ, cơ quan T.Ư hoặc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Hưng Yên, Hà Nam, Hậu Giang tiết kiệm được ít nhất
Nếu tính riêng 34 bộ và cơ quan T.Ư, thì tổng số tiền tiết kiệm được là gần 11.154 tỉ đồng. Trong đó, số tiền tiết kiệm ngân sách và vốn nhà nước là 11.018 tỉ đồng; số tiền tiết kiệm từ vốn doanh nghiệp là hơn 135,5 tỉ đồng.
Trong khối các bộ và cơ quan T.Ư thì Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 3 cơ quan tiết kiệm được nhiều nhất cho ngân sách và vốn nhà nước với trên 1.800 tỉ đồng. Đứng thứ 4 là Bộ GTVT chỉ tiết kiệm được hơn 750 tỉ đồng.
Đứng ở vị trí cuối bảng là Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Đài tiếng nói Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ với số tiền tiết kiệm cho ngân sách dưới 10 tỉ đồng.
Trong 63 tỉnh, thành phố (có Đồng Tháp và TP.HCM chưa gửi báo cáo) thì Hà Nội đứng đầu khi báo cáo số tiền tiết kiệm được là gần 10.300 tỉ đồng.
Các tỉnh ở các vị trí tiếp theo tiết kiệm được trên 1.000 tỉ đồng là Lâm Đồng (hơn 1.749 tỉ đồng); Cần Thơ (hơn 1.681 tỉ đồng); Thanh Hóa (hơn 1.600 tỉ đồng); Vĩnh Phúc (hơn 1.470 tỉ đồng); Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 1.315 tỉ đồng); Yên Bái (gần 1.170 tỉ đồng); Bình Dương (hơn 1.000 tỉ đồng).
Các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp ở cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỉ đồng; trong đó, Hưng Yên chỉ tiết kiệm được gần 14 tỉ đồng.
Trong khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với số tiền tiết kiệm được là 15.755 tỉ đồng... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng tiết kiệm được trên 1.000 tỉ đồng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Giấy Việt Nam tiết kiệm được ít nhất trong khối này, với tổng số tiền tiết kiệm được chỉ dưới 10 tỉ đồng.
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số tiền tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn của nhà nước bao gồm số tổng hợp kết quả tiết kiệm 10% chi thường xuyên; tiết kiệm trong thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi quản lý hành chính (xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm,…); tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản (thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh; thực hiện đầu tư, thi công và thẩm tra, phê duyệt quyết toán) và tiết kiệm do thực hiện các giải pháp của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019.
Còn số tiền tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%): toàn bộ các khoản tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh (nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng...), chi phí quản lý; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng (thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán; thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh; thực hiện đầu tư, thi công và thẩm tra, phê duyệt quyết toán,…).
|
Bình luận (0)