Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/04/2021 06:25 GMT+7

Từ thức ăn chăn nuôi, thịt, cá, một số mặt hàng tiêu dùng cho đến vật liệu xây dựng đều tăng giá mạnh từ đầu quý 2 đến nay.

Giá thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng... tăng vọt

Ngày 7.4, trên diễn đàn chăn nuôi Đồng Nai, nhiều nhà chăn nuôi than trời giá Thức ăn chăn nuôi tăng quá, phen này phải đóng chuồng, treo máng, không thể tiếp tục nuôi nữa. Theo phản ánh của các nhà chăn nuôi, chưa bao giờ cám nuôi gà, heo lại tăng mạnh và tăng liên tục trong thời gian ngắn như hiện nay. Còn một chủ trại chăn nuôi tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đầu năm đến nay, thức ăn cho gà và heo đã tăng khoảng 5 lần, mỗi lần tăng từ 240 - 400 đồng/kg. Các đại lý cung cấp hàng mới thông báo, khoảng ngày 10.4 tới sẽ tăng tiếp một đợt nữa.
Bà Nguyễn Thùy Trang, Công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi khu vực miền Đông Nam bộ, cho hay giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay. Lục tìm thông báo của các công ty chuyên sản xuất và kinh doanh cám heo và gà, bà cho biết có hơn chục tờ thông báo tăng giá từ các công ty, trong đó có công ty thông báo tăng đến 3 lần trong 3 tháng qua. Thậm chí trong tháng 3 có công ty tăng đến 2 lần. Mỗi lần tăng từ 300 - 600 đồng/kg, mức tăng phổ biến nhất với thức ăn chăn nuôi gà là 300 đồng/kg mỗi lần và thức ăn chăn nuôi heo là 400 đồng/kg/lần. “Hơn chục năm bán thức ăn chăn nuôi, nhưng chưa có thời điểm nào giá thức ăn cho heo, gà, cá... lại tăng mạnh như năm nay. Tính trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi bao cám cho gà nặng 25 kg tăng tổng cộng khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bao 25 kg. Còn tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, mức tăng lên 40.000 - 50.000 đồng/bao 25 kg”, bà Trang cho biết.
Thức ăn chăn nuôi tăng, kéo theo giá gà tăng mạnh. Ngày 7.4, gà công nghiệp bán ra trên thị trường tăng vọt 5.000 đồng so với những ngày trước, lên 55.000 - 65.000 đồng/kg. Giá lươn nuôi cũng tăng 5.000 đồng so với ngày trước, lên 160.000 - 170.000 đồng/kg, tôm càng xanh có giá 235.000 - 245.000 đồng/kg, cá hú tăng nhẹ 2.000 đồng lên 52.000 - 55.000 đồng/kg; cá điêu hồng nhích 1 giá lên 55.000 đồng/kg...
Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, ngay nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh. Theo phản ánh của chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), giá các mặt hàng gạch ốp lát, sắt thép, xi măng... tăng 15 - 20% từ đầu năm đến nay. Chủ cửa hàng H.T cho hay các loại vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay không khan hiếm chủng loại vì hàng nhập đã về tương đối ổn định, bên cạnh đó hàng sản xuất trong nước không thiếu. Tuy nhiên, giá tăng do 2 yếu tố: Giá vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài tăng do ảnh hưởng từ Covid-19 và từ tháng 3 cũng vào mùa xây dựng với nhiều công trình, dự án khởi công. Chẳng hạn, thép phi 6, phi 8 từ 13.500 - 14.500 đồng/kg, nay lên 16.000 đồng/kg, có cửa hàng bán 16.500 đồng/kg; thép Việt Nhật phi 22 từ 450.000 đồng nay lên 490.000 đồng/kg, có nơi báo giá 495.000 đồng/kg. “Nếu so với cách đây 1 năm, giá bán lẻ thép trong nước tăng 30 - 40%, thậm chí có những loại tăng đến 60%”, vị này nói.

Bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá thức ăn tăng chủ yếu là do nguyên liệu trong và ngoài nước như bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh, từ 20 - 70%. Một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay giá nguyên liệu đầu vào từ tháng 1.2021 đến nay tăng hơn 30%, đẩy giá thành sản xuất cám tăng 12 - 15%, kéo theo giá thành chăn nuôi tăng mạnh. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra dự báo giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng. Còn Bộ Công thương tính toán, giá thành nuôi gà ta tăng 4.500 đồng/kg, giá thành chăn nuôi heo tăng khoảng 4.000 đồng/kg, giá thành nuôi gà công nghiệp tăng 2.700 đồng/kg, giá thành trứng gà tăng 200 đồng/quả... từ việc tăng giá thức ăn này.

Những nguyên liệu đặc thù như gas, phôi thép... thì rất khó nói vì liên quan đến cả ngành công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế của VN là nước nông nghiệp, có nguồn nông sản thô và thủy hải sản dồi dào, thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ những vật liệu đó. Vì thế, ngành nông nghiệp nên tính toán để giảm bớt phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập từ nước ngoài. Điều này không khó. Đó cũng là cách “cứu” ngành chăn nuôi và phát triển theo hướng bền vững.

PGS-TS Ngô Trí Long

Báo cáo tổng kết quý 1 của Bộ Công thương mới đây cũng cho thấy, trong rổ chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng, giá một số mặt hàng thực phẩm tăng đã “góp sức đáng kể” đẩy CPI quý 1 tăng. Cụ thể, giá thịt chế biến tăng 3,73%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt heo tăng 0,46%. Đáng lưu ý, gas bán lẻ trong quý 1 tăng 7,58% do biến động giá gas thế giới tăng đẩy giá tiêu dùng tăng. Bộ Công thương nhận định: Giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục biến động trong thời gian tới.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá thép trong nước từ đầu quý 2 tăng mạnh do giá thép nguyên liệu thế giới tăng cao. Ông nói VN nhập nhiều phôi thép để luyện nên khi giá thế giới tăng cao, trong nước bắt buộc phải tăng. Trong tuần đầu tháng 4, giá thép thế giới tiếp tục tăng lên mức cao. Tại châu Âu, giá thép cuộn cán nguội giao dịch trung bình mức 2.671 euro/tấn trong tháng 3, mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép ngày 6.4 cũng tăng hơn 100 nhân dân tệ lên hơn 5.140 nhân dân tệ mỗi tấn.
“Phải nhìn vào một thực tế là nhiều chi phí trên thế giới đang tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng. Cụ thể, giá cước vận tải tăng, giá gas, giá nguyên liệu đầu vào nhiều mặt hàng chủ lực trên thế giới đều tăng, buộc giá thành sản phẩm tăng. Có những mặt hàng như cát, sạn, rau củ quả chúng ta có thể chủ động được lại đang giữ giá khá tốt, thậm chí nhiều mặt hàng rau củ quả đang giảm nhẹ theo khảo sát của Bộ Công thương trong mấy ngày qua. Chỉ duy những mặt hàng sản xuất chúng ta đang phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài là tăng. Để tránh điều này, về lâu dài phải tính toán bớt phụ thuộc”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.