Đó là thông tin được chia sẻ tại hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức ngày 12.6.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 0,47 kg/chè/năm thì sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 45.000 tấn chè xanh. Đặc biệt, giá chè tiêu thụ trong nước hiện có giá bình quân từ 8 - 10 USD/kg. Mức giá này cao gấp 5 lần so với giá chè xuất khẩu.
Ông Dương Văn Đức, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết giá chè xuất khẩu của Việt Nam khoảng 1,7 USD/kg, đang ở mức thấp so với chè Trung Quốc (4,5 USD/kg). Cơ cấu chè xuất khẩu nhiều nhất hiện nay vẫn là chè đen chiếm tới 42%, chè xanh 39%... Chè chất lượng cao xuất khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, diện tích chè Việt Nam trong nhiều năm nay gần như không tăng, duy trì khoảng 130.000 ha. Nếu so sánh trong 15 năm qua, năng suất chè hiện tăng gấp 2 lần, từ 5,5 tấn/ha lên hơn 10 tấn/ha. Năng suất chè Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với thế giới. Giá trị xuất khẩu chè Việt Nam cũng tăng mạnh khi năm 2005 chỉ đạt khoảng 160 triệu USD nhưng đến năm 2019 đã tăng lên trên 240 triệu USD.
Theo ông Dương Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, địa phương này có khoảng 22.000 ha trồng chè. Cây chè đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Khi giá trị sản phẩm thu trên 1 ha chè bình quân đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha; vùng chè đặc sản đạt doanh thu 500 - 800 triệu đồng/kg. Giá bán chè thành phẩm có giá 200.000 - 300.000 đồng/kg, chè đặc sản từ 3 - 5 triệu đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 46.000 tấn chè, đạt giá trị khoảng 71 triệu USD. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, xuất khẩu chè đã giảm 2,3% khối lượng và 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam đang có 300 doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu chè đến hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Bình luận (0)