Giá heo hơi tăng không dừng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/11/2019 06:37 GMT+7

Mặc cho cơ quan quản lý “trấn an” sẽ không hụt nguồn cung thịt heo, dự báo nguồn cung thịt trong nước sẽ khan hiếm vào cuối năm và thực tế giá heo hơi đang tăng mỗi ngày.

Thị trường nóng như lửa

Giá heo hơi hôm qua (7.11) tiếp tục tăng đến 5.000 đồng/kg tại thị trường phía bắc, hầu hết giá bán ra tại các địa phương đã vượt con số 70.000 đồng/kg. Cao nhất được ghi nhận ở Ba Vì (Hà Nội), có trại heo đẹp giá xuất chuồng lên đến 73.000 đồng/kg, tại Thái Bình cũng tăng lên 72.000 đồng/kg.
Heo hơi tại thị trường miền Trung hôm qua cũng ghi nhận đạt đỉnh 70.000 đồng/kg tại Nghệ An, Thanh Hóa. Tây nguyên cũng bán mức giá trên dưới 60.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, thông tin từ các trang trại nuôi heo cho thấy, giá heo hơi cao nhất khoảng 64.000 đồng/kg, các tỉnh miền Tây Nam bộ giá từ 60.000 - 62.000 đồng/kg. Một số công ty chăn nuôi lớn khu vực miền Nam cũng tung mức giá mới tăng tiếp 2.500 đồng/kg, lên 63.000 đồng/kg.
Trong khi đó, heo về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) hôm qua khoảng 5.250 con, so với mấy ngày trước ít hơn 250 - 400 con. Tuy nhiên, theo các thương lái, lượng heo nhỏ dưới 80 kg được bán ra thị trường ngày một nhiều, có ngày lên đến 2.000 con trong khi “heo đẹp” xuất chuồng thường từ 1,2 - 1,4 tạ mỗi con. Heo có trọng lượng nhỏ bán ra nhiều thì lượng thịt heo trên thị trường cũng giảm hơn so với trước.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết so với tháng 7 - 8, giá heo hơi bán ra trong tháng 11 lãi từ 3 - 4 triệu đồng mỗi con. “Đợt này là “sốt” thật, không có chuyện “sốt” ảo, không cần ai làm giá, cũng không thương lái nào dám làm giá. Thị trường đang nóng như lửa, trong vòng nửa tháng đã tăng 10.000 đồng mỗi ký heo hơi. Nếu đến hết tháng 11 tăng tiếp 10.000 đồng/kg nữa, chắc chắn thị trường thịt heo cuối năm nay khan hiếm, nhưng “hiếm” đến đâu chưa thể dự báo được, bởi còn phụ thuộc điều hành thị trường của các cơ quan quản lý”, ông Đoán cho biết.

Heo mảnh "chảy" tiểu ngạch sang Trung Quốc

Cũng theo ông Đoán, hiện tượng bán heo nhỏ ngày càng tăng không phải người nuôi “kẹt” tiền mà đa số heo “chạy dịch”. Do vẫn chưa có vắc xin phòng chống dịch tả heo châu Phi nên nó vẫn là mối đe dọa lớn cho ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, nguồn cung thịt ra thị trường có dấu hiệu khan hiếm.
Giá heo giữa hai miền Bắc - Nam đang chênh nhau khoảng 10.000 đồng/kg, thế nên, nguồn heo từ miền Nam ra Bắc cũng đang tăng. Đó là chưa nói giá heo hơi tại Trung Quốc hôm nay đã lên 140.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá ở VN, nên heo mảnh được đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch có dấu hiệu tăng.
Số liệu mới thống kê của Sở NN-PTNT Hà Nội tính đến ngày 4.11 cho thấy, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại hơn 32.000 hộ chăn nuôi. Ước khoảng 180 xã bị tái dịch trở lại. Thông tin tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết thiệt hại toàn cầu ngành thịt heo là 30%, VN đã tiêu hủy đợt dịch bệnh lên đến 5,7 triệu con.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng ngoài ảnh hưởng từ dịch bệnh phải tiêu hủy số lượng lớn, tác động mạnh nhất đến thị trường thịt heo hiện nay là từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Không nhập thịt heo từ Mỹ trong khi nhu cầu quá lớn, giá thịt heo tại Trung Quốc đang cao gấp đôi thị trường VN. Thế nên dù cấm xuất tiểu ngạch sang thị trường này bằng heo sống, nhưng heo mảnh vẫn đang được “âm thầm” tuồn qua bằng đường tiểu ngạch. Thế nên, muốn bình ổn giá heo trong nước, việc xuất tiểu ngạch heo mảnh cũng phải được kiểm soát.
Theo các chủ trại nuôi heo tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá vốn heo hơi hiện khoảng 35.000 đồng/kg, với giá này, người nuôi heo hơi đang lãi gấp đôi vốn bỏ ra. Nhưng, việc tái đàn đang đối diện rủi ro rất cao. Ông Công ví von: “Lúc này chăn nuôi như đánh bạc vậy. Nhiều người vẫn liều tái đàn vì lợi nhuận đang hấp dẫn quá. Nhưng nguyên tắc khi chưa có vắc xin thì không tái đàn. Với các trang trại chưa từng bị dịch, có kiểm soát an toàn sinh học tốt, việc tái đàn là an toàn. Nhưng các trang trại đã từng bị dịch rồi, cho dù vệ sinh trang trại tốt, tái đàn theo an toàn sinh học, khả năng bị “dính” dịch tả heo châu Phi lại rất cao. Tùy vào các chủ trại biết mình phải làm gì…”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng: “Trong thời điểm này, đã có một số khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, có quy định chăn nuôi theo luật, quy hoạch chăn nuôi công nghiệp phải cách xa khu vực dân cư, tái đàn phải tuân thủ an toàn sinh học… Nếu chủ trang trại không đáp ứng một trong các tiêu chuẩn đó, việc bị tái dịch phải chịu trách nhiệm. Chứ cứ liều tái đàn, bị dịch lại khai báo để nhận hỗ trợ là không công bằng với các trại nuôi nghiêm túc".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.