Giá rau củ, thịt tăng 30 – 35%, có nơi tăng gấp đôi
Khác với cảnh mua bán nhộn nhịp trước đây, khu dân cư chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM hiện nay khá vắng vẻ khi dây giăng khắp nơi. Những quầy hàng bán trái cây, rau, cá … hàng ngày nay không còn hoạt động. Chạy vòng quanh khu vực này, chỉ có một quầy bán nước nhưng nay chủ bày ra một ít rau củ bán với giá lên trời. Cụ thể cà chua có giá 60.000 đồng/kg (bình thường giá khoảng 30.000 đồng/kg), su su 60.000 đồng/kg (siêu thị , chợ bán khoảng 17.000 – 20.000 đồng/kg) … Một phụ nữ khoảng 60 tuổi mặc bồ đồ bộ cũ kỹ đứng nhìn vào những loại rau vừa lẩm nhẩm: “Sao giá rau tăng dữ vậy không biết, cái nào hỏi cũng 60.000 đồng mà giờ không mua thì quanh đây không còn chỗ nào bán”.
Đầu hẻm 252 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3 những ngày gần đây có một bàn bày bán rau các loại của 2 vợ chồng chủ bán cơm trước đây nhưng dịch Covid-19 nên cũng phải đóng cửa từ hơn tháng nay. Người phụ nữ vừa lặt mớ rau dền bị hư vừa nói: “Vợ chồng mở bán từ 3 giờ sáng, lấy rau củ các loại từ Hóc Môn về cũng nhiều nhưng hôm nay bán vài tiếng thì chỉ còn lại ít rau dền, bắp Mỹ, mướp, mồng tơi, gừng … Chắc hôm nay chúng tôi được nghỉ sớm chứ giờ vận chuyển đi lại khó”. Để bán nhanh số rau còn lại, bà chủ giảm giá rau mồng tơi từ 30.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng/kg, bắp Mỹ từ 10.000 đồng/quả còn 20.000 đồng 3 quả …
|
Ông Đỗ Nguyên Vũ – Giám đốc Công ty GoxGreen (hệ thống bán thực phẩm online) cho biết các đơn vị cung cấp rau đầu vào đã tăng giá lên gấp đôi khi việc vận chuyển, kiểm duyệt trên đường nên gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải điều chỉnh giá tăng theo, trong đó rau củ tăng từ 30 – 35%, lên khoảng 10.000 đồng/kg. Chẳng hạn bắp cải trái tim lên 25.000 đồng/500gr, dưa leo Đà Lạt 25.000 đồng/500gr, su su baby 25.000 đồng/kg … Do nhu cầu khách hàng mua tăng gấp 3 – 4 lần ngày thường nên nhiều thời điểm công ty phải thực hiện đóng app hoặc dừng nhận các đơn hàng trên Grabfood, Now … để soạn đơn cho khách đã đặt trước đó.
|
Siêu thị hết hàng từ sớm
|
Giá cả hàng hóa bên ngoài bị đẩy lên khi tình cảnh các cửa hàng, siêu thị quá tải, hàng hóa trên kệ tiếp tục trống trơn. Mặc dù mới 9 giờ 30 ngày 8.7 nhưng nhân viên cửa hàng Vinmart + trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, P.10 , Q.3, TP.HCM thông báo cho lượng khách đang khai báo thủ tục y tế trước khi vào là hiện rau, củ, thịt, cá các loại trong cửa hàng đã hết. Cô nhân viên cửa hàng vừa nói vừa lật 4 – 5 trang giấy ghi chi tiết thông tin khách hàng cho biết từ 6 giờ sáng, khách đã xếp hàng vào mua nên trở tay không kịp. Quy định mỗi lần chỉ khoảng 5 khách vào mua nhưng lượng hàng về buổi sáng chỉ vài giờ là hết sạch. Bên trong, không những quầy rau, thịt, cá không còn mà cả ngay khu vực mì gói, giấy vệ sinh cũng trống trơn, nhiều người phải quay ra. Nhân viên cửa hàng cũng không biết khi nào hàng mới về.
Tình trạng cửa hàng Coop Food cách đó vài trăm mét (đối diện cổng ga Sài Gòn) cũng tương tự. Nhân viên bảo vệ Coop Food cho biết mỗi lần chỉ được cho vào cửa hàng từ 5 -7 khách nên ai đến phải chờ xếp hàng bên ngoài. Cứ 1 khách hàng mua đồ xong đi ra thì 1 người khác vào. Một số người đứng xếp hàng nhìn vào bên trong thấy rau, cá, thịt còn nên cũng cố gắng đứng chờ để được vô.
|
|
Cùng tình cảnh, trước siêu thị AEON Citimart (đường Cao Thắng, P.4, Q.3), nhiều người đứng xếp hàng chờ vào mua đồ. Theo anh Hoàng Anh (nhân viên bảo vệ siêu thị AEON Citimart), từ sáng sớm mọi người đã lần lượt đến mua hàng, quy định khách và nhân viên trong cửa hàng không được quá 20 người nhằm tuân thủ khoảng cách chống dịch Covid-19. Quan sát lượng hàng rau củ, thực phẩm ở siêu thị dù không dồi dào như trước nhưng vẫn còn. Phía bên ngoài, một xe tải nhỏ chở hàng đang chờ chuyển đồ vào siêu thị. Khách đa số mua đồ thực phẩm.
|
Bình luận (0)