Sáng 3.2, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.145 đồng/USD, giảm 7 đồng so với ngày hôm trước. Tại các ngân hàng thương mại, đồng USD tiếp tục sụt giảm như Vietcombank giảm 10 đồng còn 22.910 - 23.120 đồng/USD; Eximbank giảm 10 đồng còn 22.930 - 23.110 đồng/USD... Ngược lại, trên thị trường tự do, giá USD tăng khá mạnh. Giá mua vào thêm 20 đồng so với ngày hôm trước, lên 23.560 đồng/USD và thêm 80 đồng ở chiều bán ra, lên 23.640 đồng/USD. Điều này kéo giãn mức chênh lệch giữa giá mua và bán lên 80 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index lên 91,04 điểm, cộng thêm 0,6 điểm so với đầu ngày hôm trước. Đồng USD vẫn đang gia tăng trong bối cảnh đồng euro chìm sâu do kinh tế Đức gặp khó và đồng đô la Úc giảm nhanh. Theo Reuters, tỷ giá USD trước đó đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng so với đồng euro khi giới giao dịch nhận định nước Mỹ có khả năng phục hồi từ đại dịch Covid-19 sớm hơn khu vực châu Âu. Quan điểm này được củng cố bởi các động thái ở Washington hướng tới kích thích chi tiêu nhiều hơn, trái ngược với tình hình thắt chặt các lệnh hạn chế tại châu Âu. GDP trong 3 tháng đầu năm của khu vực đồng euro được dự kiến sẽ sụt giảm.
Các nhà đầu tư hiện vẫn đang chờ đợi những cuộc đàm phán về kích thích kinh tế ở Washington, sau khi Đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch hỗ trợ trị giá 1.900 tỉ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2.2, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 475,57 điểm, tương đương 1,57%, lên 30.687,48 điểm, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11.2020. Chỉ số S&P 500 cộng 1,39% lên 3.826,31 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,56% lên 13.612,78 điểm, góp phần nâng tổng mức leo dốc từ đầu tuần đến nay lên hơn 4%. Nhà đầu tư tại Phố Wall đang ngóng báo cáo kết quả kinh doanh của các ông lớn ngành công nghệ Amazon và Alphabet...
Bình luận (0)