Giá USD ngày 10.3: Tiếp tục đi xuống khi dầu, chứng khoán toàn cầu lao dốc

10/03/2020 08:21 GMT+7

Giá USD ngày 10.3 liên tục giảm xuống cùng với giá dầu và thị trường chứng khoán trong nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tăng nhanh.

Chỉ số USD-Index trên Kitco lúc 8 giờ sáng nay 10.3 là 95,34 điểm, giảm thêm gần 0,3 điểm so với ngày trước đó. Đây là mức thấp nhất của đồng bạc xanh trong 17 tháng qua so với nhiều đồng tiền khác, đặc biệt so với yen Nhật khi hiện tại 1 USD chỉ đổi được 102,85 yen Nhật (chỉ 1 ngày trước đó thì 1 USD vẫn đổi được 104,17 yen Nhật).
Tại thị trường trong nước, đầu ngày 10.3 tỷ giá USD trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.190 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày đầu tuần. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng theo chiều đi xuống khi Vietcombank giảm 20 đồng xuống còn 23.080 đồng/USD khi mua vào và bán ra 23.250 đồng/USD. Riêng đồng euro tại ngân hàng Vietcombank có giá mua vào 25.890 đồng và bán ra 27.073 đồng, tăng thêm 357-374 đồng/euro so với giá cuối tuần qua. Như vậy sau hơn 1 tháng sụt giảm dưới mức 26.000 đồng/euro thì đồng tiền này đã hồi phục trở lại trên ngưỡng 27.000 đồng. 
Ngược với ngân hàng, trên thị trường tự do, tỷ giá USD nhích nhẹ từ chiều 9.3 và đang giao dịch ở mức 23.250 - 23.270 đồng.
Trên thị trường quốc tế, việc giá dầu lao dốc 30% trong phiên đầu tuần khiến các nhà đầu tư choáng váng. Theo Reuters, điều đó đã thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo các loại tiền tệ của các nước xuất khẩu dầu mỏ khiến đồng rouble của Nga và đồng peso Mexico giảm tới 6% so với USD. Tương tự, đồng krone Na Uy đã giảm 3%, trong khi đô la Canada đã giảm 1,6% xuống còn 1,3640 CAD đổi một USD, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Giá dầu lao dốc mạnh cũng kéo theo thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống không phanh. Thị trường châu Á đóng cửa phiên 9.3 giảm mạnh từ 4 - 7%, trong đó thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng mất hơn 6%. Vì vậy đóng cửa phiên 9.3 vào rạng sáng nay giờ Việt Nam, các chỉ số Phố Wall rơi vào tình trạng khá tồi tệ. Động thái bán tháo mạnh đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ phải tạm dừng 15 phút cho tới khi mở cửa lại vào 9 giờ 49 phút (giờ địa phương). Nhưng việc lao dốc vẫn không ngừng lại đẩy Dow Jones cuối phiên mất hơn 2.000 điểm, tương đương mất 7,79% xuống còn 23.851,02 điểm. Đây là phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008 của Dow Jones . Chỉ số S&P 500 sụt 7,6% xuống 2.746,56 điểm là là phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008 đến nay và chỉ số Nasdaq Composit mất 7,29% còn 7.950,68 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.