Đầu ngày 28.8, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng là 55,25 - 56,2 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm trước. Chênh lệch mua bán vàng miếng của SJC hiện duy trì ở mức 950.000 đồng/lượng, thấp hơn so với mức kỷ lục 4,75 triệu đồng/lượng khi vàng có đợt giảm mạnh vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn cao hơn gấp đôi so với giai đoạn bình thường ít biến động. Tương tự, hệ thống Doji giảm 100.000 đồng xuống còn 55,4 – 56,1 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua và bán của Doji hiện là 700.000 đồng/lượng...
Thị trường vàng thế giới đã có một phiên “nhào lộn” mạnh trong ngày 27.8 sau khi tăng gần 2% nhưng sau đó cũng sụt giảm gần mức này khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Hợp đồng vàng giao tháng 12 trong phiên đã xuống mức thấp 1.914,70 USD/ounce nhưng cũng có lúc lên 1.987 USD/ounce và chốt phiên giao dịch ở mức 1.932,60 USD/ounce. Hợp đồng vàng giao ngay trong phiên cũng mất đi 1,5% còn 1.925,19 USD/ounce. Sáng nay, theo Kitco, giá vàng giao ngay đạt mức 1.930 USD/ounce, giảm 17 USD so với đầu ngày trước đó.
Thị trường vàng biến động mạnh sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong ngày 27.8. Ông Jerome Powell đã công bố những thay đổi đối với khuôn khổ chính sách của Ngân hàng Trung ương với mục tiêu lạm phát trung bình và công nhận những lợi ích cho một thị trường lao động mạnh mẽ. Chiến lược của Fed là giữ lạm phát ở mức 2% làm mục tiêu. Động thái này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng và đẩy giá vàng đi xuống. Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách phần lớn đúng như kỳ vọng và một số nhà đầu tư đã chốt lời sau bài phát biểu này.
Mới đây, Hội đồng vàng thế giới đã công bố báo cáo cho rằng, mặc dù vàng chứng kiến nhu cầu đầu tư kỷ lục, nhưng tiêu thụ vật chất của kim loại quý này đã giảm 11% trong quý 2/2020. Cơ quan này dự báo nhu cầu về vàng để đầu tư tránh rủi ro vẫn sẽ gia tăng từ nay đến cuối năm.
Bình luận (0)