Giá xăng dầu ngày 22.7.2020: Hạ nhiệt sau khi vọt cao nhất 4 tháng qua

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/07/2020 10:38 GMT+7

Giá dầu thế giới sáng nay (22.7, theo giờ Việt Nam) quay đầu giảm gần 1% sau khi kết thúc phiên tăng vọt lên xấp xỉ mức 44,5 USD/thùng với dầu Brent.

Các hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 đã hết hạn cuối phiên ngày thứ Ba (21.7, rạng sáng 22.7 giờ Việt Nam) đã tăng 1,15 USD, tương đương 2,8% lên 41,96 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên cuối ngày 5.3 vừa qua, theo dữ liệu của Dow Jones Market. Tương tự, dầu Brent cũng tăng vọt 1,04 USD, tương đương 2,4%, lên 44,32 USD/thùng, cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6.3.2020. Tuy nhiên, đến 7 giờ 30 sáng nay (22.7), cả hai hợp đồng dầu thô đều quay đầu giảm. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 mất 33 cent, tương đương 0,76%, xuống 41,9 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 9 cũng mất 31 cent, tương đương 0,7%, xuống 44,01 USD/thùng.
Tuy giảm sau phiên tăng sốc, theo nhận định của chuyên gia phân tích thị trường trên MarketWatch, thị trường ngày càng lạc quan về khả năng giải quyết đại dịch Covid-19 của thế giới. Kết quả mới nhất về thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 được công bố trên Tạp chí khoa học Lancet cho thấy, thuốc đã không gây ra các lo ngại như lúc đầu, đồng thời tạo được phản ứng miễn dịch tốt. MarketWatch cho rằng, các nhà đầu tư có vẻ tin tưởng vào khả năng “đánh bại” sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19 tại các nước. Ngoài ra, vào cuối tuần qua, thông tin về một gói kích thích lịch sử được thúc đẩy bởi 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã tạo lực cho đà tăng của giá dầu. EU đã thống nhất về gói cứu trợ đại dịch trị giá 750 tỉ euro (tương đương 860 tỉ USD). Dự báo về tương lai xa, các nhà phân tích trên Reuters nhận định, thị trường dầu đang thắt chặt và sẽ tiếp tục được “siết” giúp giá dầu tăng trong năm tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới sẽ quyết định giá dầu trong tương lai. Trả lời phỏng vấn Business Insider vào tuần trước, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Market, ông Mitch Helima Croft, nói rằng, nếu ông Joe Biden làm tổng thống Mỹ, về cơ bản, ông có thể đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và có khả năng thêm 1 triệu thùng dầu của Iran được tung ra thị trường mỗi ngày. Iran hiện xuất khẩu dầu thô khoảng 100.000 - 200.000 thùng/ngày, trước thời điểm tháng 4.2018, khi chưa bị Mỹ áp lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu dầu, mức xuất khẩu của nước này là 2,5 triệu thùng/ngày. Do các lệnh trừng phạt và do khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, sản lượng dầu của Iran đã giảm xuống dưới 2 triệu thùng/ngày trong quý 2 năm nay. Được biết, Iran hiện tồn kho dầu thô số lượng lớn vì 2 lý do nói trên, lệnh trừng phạt và đại dịch. Đầu tháng 7, Reuters tính toán, Iran có thể còn hơn 50 triệu thùng dầu được lưu trữ trong các tàu chở dầu trên biển và hơn 60 triệu thùng tại các kho trên bờ. Nếu Iran đưa ra thị trường 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày, giá dầu sẽ tăng trong năm tới. Ông Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại AxiCorp nhận định, nhìn về tương lai, tốc độ giảm nhu cầu dầu trên toàn cầu có thể chậm lại, theo đó, giá dầu tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, ông cảnh báo, ngay cả khi dịch bệnh được “dọn dẹp” hết, các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, thì các hợp đồng dầu thô trong ngắn hạn vẫn chưa thể nhờ đó mà tăng vọt trở lại, vẫn còn nhiều yếu tố gây suy giảm giá dầu đối với các hợp đồng ngắn hạn.
Ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 22.7, giá xăng RON95 từ 14.970 đồng/lít; xăng E5 RON92 từ 11.250 đồng/lít; dầu diesel từ 12.110 đồng/lít; dầu hỏa từ 10.030 đồng/lít…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.