Giảm tốc độ có kéo giảm tai nạn?

16/06/2018 07:47 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng cần có thời gian thí điểm, đánh giá nguyên nhân, hiệu quả trước khi ra quyết định giảm tốc độ tại 10 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.

Tốc độ tăng 1 km/giờ, nguy cơ tai nạn tăng 3 - 5%
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị với Sở GTVT TP tiếp tục điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tốc độ tối đa cho phép tại các khu vực, tuyến đường đặc thù, có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp. Theo đó, giảm tốc độ tối đa cho phép từ 10 - 20 km/giờ đối với các loại ô tô, xe tải và các phương tiện có kết cấu tương tự trên các đường: quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, quốc lộ 22, Nguyễn Văn Linh, Kinh Dương Vương, Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Lượng và Phan Văn Trị. Tốc độ cao nhất ô tô con, xe khách được phép lưu thông là 70 km/giờ (trên đường Phạm Văn Đồng và quốc lộ 22 đoạn từ cầu An Hạ đến cống Suối Sáu, giáp Tây Ninh). Xe tải và xe có kết cấu tương tự được chạy nhanh nhất 50 km/giờ (quốc lộ 22).
Nếu ý thức người tham gia giao thông kém, có quy định tốc độ cho phép là 5 km/giờ cũng không tác dụng gì
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN

Theo PC67, đây là các khu vực, tuyến đường đặc thù, có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp. Khảo sát cho thấy, tai nạn liên quan đến yếu tố tốc độ đang có nguy cơ tăng cao. “Đơn cử như tại quốc lộ 1, ô tô được chạy với tốc độ tối đa lên tới 80 km/giờ. Trong tình huống khẩn cấp dù có thắng cũng sẽ dẫn đến tai nạn. Nguy cơ tử vong trong những va chạm ở tốc độ này là rất lớn”, đại diện PC67 nói.
Đặc biệt, Công an TP.HCM nhận định chiều hướng gia tăng tai nạn trên 10 tuyến đường được đề xuất có nguyên nhân gián tiếp từ Thông tư 91 của Bộ GTVT ban hành ngày 31.12.2015 cho phép nâng giới hạn tốc độ. Vì vậy, việc đề xuất giảm tốc độ tối đa tại 10 tuyến đường trên là một trong những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP.
Trước đó, tại buổi sơ kết 8 tháng thực hiện điều chỉnh tốc độ theo Thông tư 91, đại diện Sở GTVT thông tin số vụ tai nạn giao thông tăng tại 9/12 tuyến đường được phép tăng tốc độ, tình hình an toàn giao thông trong 8 tháng diễn biến theo hướng phức tạp, số vụ tai nạn và số người chết đều tăng.
Cần có thời gian thí điểm
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá trong các tuyến đường nội đô TP hiện nay mật độ xe cộ cao nên tốc độ di chuyển của các xe thực tế luôn bị hạn chế, tốc độ di chuyển trung bình thấp hơn nhiều so với quy định. Các trường hợp đi tốc độ cao gây tai nạn chủ yếu đến từ vi phạm vượt quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu. Với các đối tượng này, dù có hạ tốc độ tối đa cho phép nhưng không siết chặt công tác kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm thì cũng khó kéo giảm tai nạn. Mặt khác, giảm tốc độ di chuyển của các phương tiện đồng nghĩa giảm tốc độ phát triển của ngành kinh tế vì hạn chế năng lực vận chuyển, kéo dài thời gian, tăng chi phí. “Vì thế, TP cần có thời gian thí điểm, sau đó tổ chức nghiên cứu, đánh giá kết quả có thật sự giúp kéo giảm tai nạn hay không, từ đó mới đưa vào quy định”, ông Hoàng đề xuất.
Tương tự, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nhận định bất cứ biện pháp nào đưa ra cũng có 2 mặt. Vấn đề của cơ quan chuyên môn là phải cân nhắc giữa cái lợi và cái hại, cái nào lớn hơn, bằng việc thu thập dữ liệu, tính toán theo từng kịch bản. Đầu tiên cần có khảo sát cụ thể trên tuyến đường này. Một tháng xảy ra bao nhiêu tai nạn; trong số đó bao nhiêu phần trăm do xe chạy tốc độ cao, bao nhiêu do say xỉn hoặc lỗi kỹ thuật?... Trong nguyên nhân gây tai nạn vì tốc độ, cần phân loại rõ người điều khiển phương tiện chạy đúng luật nhưng vẫn dẫn đến tai nạn hay chạy quá tốc độ. Bởi các đối tượng vượt tốc độ không căn cứ vào tốc độ cho phép của luật. Không phải quy định giảm thì giảm tốc độ vi phạm. “Nếu ý thức người tham gia giao thông kém, có quy định tốc độ cho phép là 5 km/giờ cũng không tác dụng gì”, ông Nguyên lưu ý.
Tiếp đến, cần đặt ra các kịch bản cụ thể, nếu giảm tốc độ tối đa cho phép trên tuyến đường, chậm lại từng này ki lô mét/giờ thì tai nạn giảm được bao nhiêu phần trăm, khả năng gây ùn tắc tăng lên bao nhiêu phần trăm... Từ đó lực lượng chức năng mới có luận cứ để chứng minh cho việc giảm tốc độ là cần thiết và đưa ra được con số giảm hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.