Goldman Sachs: Anh sẽ suy thoái từ năm 2017

27/06/2016 10:59 GMT+7

Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nước Anh bước vào “suy thoái nhẹ” từ năm 2017 sau khi chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo CNBC, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng đầu tư Mỹ cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,1% trong năm nay.
GDP Anh có thể sẽ bị ảnh hưởng 2,75 điểm phần trăm trong 18 tháng tới từ tác động tích lũy của các điều kiện thương mại ngày càng thiếu chắc chắn và xấu đi, nhà kinh tế Jan Hatzius, Jari Stehn và Karen Reichgott thuộc Goldman Sachs cho hay. 
Ngân hàng Mỹ dự báo tăng trưởng GDP Anh năm nay là 1,5%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước. Goldman dự báo kinh tế Anh đi lên 0,2% trong năm 2017, giảm 1,8 điểm phần trăm so với dự báo trước.
Giới chuyên gia chỉ ra ba yếu tố dẫn đến nhận định trên. Thứ nhất, các điều khoản thương mại Anh có thể xấu đi, việc xuất khẩu các dịch vụ giá trị gia tăng cao có thể trở nên khó khăn hơn. Thứ nhì, sự thiếu chắc chắn về lâu dài sẽ gây áp lực lên tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn vì khiến giới doanh nghiệp hoãn đầu tư. Cuối cùng, các điều kiện tài chính bị thắt chặt thông qua tỷ giá mạnh hơn và giá trị tài sản rủi ro thấp hơn.
GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 1,25% trong hai năm tới. Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm nay cũng bị hạ.
Các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs viết: “Việc điều chỉnh thêm có thể trở nên cần thiết nếu các thị trường tài chính toàn cầu xấu đi nhiều hơn so với phản ứng ban đầu, hoặc nếu chúng ta chứng kiến chuyện chính trị và kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng lớn hơn dự báo”.
Theo tờ Financial Times, các ngân hàng đang rục rịch di chuyển hoạt động của họ ra khỏi Anh quốc. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau hôm 25.6 cảnh báo rằng các hãng dịch vụ tài chính Anh có nguy cơ mất quyền kinh doanh trên toàn EU.
Ông Galhau cho hay sẽ là “bất hợp lý” nếu cho phép London hoạt động theo các nguyên tắc của EU nhưng không phải là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu như Na Uy. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cũng là thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhận định của ông thể hiện rõ rằng EU sẽ không để cho ngành tài chính nước Anh có quá trình chuyển đổi dễ dàng.
Nhiều ngân hàng đầu tư đã phản ứng ngay lập tức sau kết quả trưng cầu dân ý ở Anh. Một số định chế tài chính lớn nhất ở London đang tiếp cận giới chức Anh để làm giấy phép và xếp hàng chờ di dời.
Các nhà băng lớn của Mỹ, như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley, có hoạt động lớn và tuyển dụng hàng chục ngàn lao động ở Anh. Họ đang chuẩn bị cho việc dời một phần hoạt động đến các thành phố khác, chẳng hạn như Dublin (Ireland), Paris (Pháp) hay Frankfurt (Đức).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.