Grab là 'hung thần' hay 'cứu tinh' của taxi truyền thống?

16/10/2018 14:21 GMT+7

Liên tục bị tố "bóp nghẹt" các hãng taxi truyền thống nhưng các chuyên gia nhận định thực tế sự xuất hiện của Grab đã đem lại cơ hội sống sót cho các doanh nghiệp (DN) taxi vừa và nhỏ.

Cuộc chiến sống còn giữa cái mới và cái cũ
Gần 3 năm kể từ ngày cái tên Grab xuất hiện tại thị trường Việt Nam, cuộc chiến taxi chưa bao giờ hạ nhiệt. Trong khi "tân binh" này chỉ lẳng lặng tiến tới, phát triển mô hình, mở rộng mạng lưới thì "anh cả" của ngành taxi Việt Nam - Vinasun liên tiếp tung ra nhiều đòn phản ứng, quyết liệt tấn công. Từ việc dán đề can phản đối, liên tiếp gửi văn bản kiến nghị lên Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, đâm đơn kiện, tài xế kéo lên tòa biểu tình... tất cả nhằm chứng minh sự xuất hiện của Grab là nguyên nhân khiến Vinasun làm ăn thua lỗ, các hãng taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.
PGS.TS Võ Trí Hảo, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định đây là phản ứng hoàn toàn dễ hiểu vì bao giờ sự xuất hiện của cái mới, cái văn minh cũng sẽ kéo theo sự va chạm về lợi ích. Lịch sử đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa cái mới- cái cũ thế này. Sự ra đời của động cơ hơi nước cùng máy dệt từng làm cho “khung cửi” phá sản, nông trang xuống giá, “cướp mất công ăn việc làm” của thợ dệt truyền thống. Giới điền chủ kích động công nhân đập phá động cơ hơi nước. Theo cách tương tự, các lái xe taxi truyền thống ở Pháp đã biểu tình, đập phá các ô tô nào cung cấp dịch vụ vận tải dùng Uber, GrabTaxi để kết nối mà không thông qua tổng đài. Công nghệ GrabTaxi, Uber sẽ làm cho nhân viên trực tổng đài, nhân viên điều độ trở nên thừa thãi, lái xe taxi truyền thống mất khách hàng, giấy phép kinh doanh taxi truyền thống trở nên rẻ.
"Một phát minh kỹ thuật, đôi khi không chỉ thuần túy tác động về mặt kỹ thuật, tạo ra sự thay đổi cách mạng công nghệ, mà có thể tạo ra một làn sóng văn minh, thay đổi các nhóm lợi ích, trật tự quyền lực kinh tế trong xã hội, quan hệ phân phối lợi ích của cải trong xã hội. Trong cuộc chuyển mình sang cách mạng 4.0, những gì thuộc về thời kỳ 3.0 sẽ có phản ứng dữ dội và những động thái trên của Vinasun cũng tương tự như vậy" - ông Hảo nhận định.
Thế nhưng theo ông Hảo, nhờ có cạnh tranh, các hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất như Vinasun, Mai Linh đã bắt tay đầu tư phát triển phần mềm tương tự GrabTaxi, Uber. Hưởng ứng công nghệ mới, nhưng tránh đầu tư chi phí phát triển phần mềm, một số công ty taxi như Vạn Xuân,Thành Lợi, Bắc Á chọn liên kết với các “chủ chợ” GrabTaxi, Uber sử dụng song song hai kênh kết nối: tổng đài điện thoại truyền thống và phần mềm GrabTaxi, Uber để kết nối với khách hàng. Điều này giúp cho bộ mặt của ngành vận tải tại Việt Nam thay đổi rất nhiều.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận sự xuất hiện của Grab đã tạo động lực cho sự cạnh tranh của các hãng taxi, tạo làn sóng mới giúp các DN vận tải cải thiện chất lượng, dịch vụ, công nghệ và giá cả. "Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, đương nhiên sẽ có ông chết nhưng đã vào cuộc chơi thì phải chấp nhận. Không thể phủ nhận những tác động tích cực lớn mà công nghệ mang tới" - ông nói.
Giúp các hãng taxi nhỏ sống sót
Khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, GrabTaxi là mô hình cung ứng phần mềm cho các hãng taxi nhằm mở rộng đối tượng người dùng. Các DN taxi vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực phát triển phần mềm đã chọn phương pháp liên kết với Grab để tăng cơ hội kết nối với khách hàng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích trước khi có sự xuất hiện của Grab, thị trường vận tải tại Việt Nam chủ yếu thuộc về tay của một vài hãng taxi lớn. Các DN nhỏ, yếu có xu hướng liên kết với nhau để tạo sức mạnh cạnh tranh và việc liên kết với Grab là bước đi tất yếu, khôn ngoan. Grab khi đó trở thành đầu mối liên kết với các hãng taxi nhỏ, giúp các DN này sống sót trong bối cảnh gặp nhiều bất lợi và chật vật trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các DN taxi lớn.
"Không thể nói Grab giết chết taxi truyền thống vì chính mô hình hoàn toàn mới mẻ này đã kích thích các DN taxi lớn thay đổi, phát triển thích ứng với thời đại công nghệ. Đồng thời, tạo môi trường cho các DN taxi nhỏ duy trì hoạt động, đóng góp rất lớn cho thị trường vận tải Việt Nam. Quan trọng nhất là người tiêu dùng được hưởng lợi, xã hội tiến tới giai đoạn mới văn minh" - ông Hiếu đánh giá.
PGS.TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh trong cuộc va chạm giữa các làn sóng văn minh, lợi ích và năng lực quản lý nhà nước, đòi hỏi chính quyền phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật hiện hành. Trong số các lợi ích phải cân nhắc, lợi ích của người tiêu dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm, bên cạnh lợi nhuận của hãng taxi truyền thống, lợi ích người lái xe taxi chuyên nghiệp, lợi ích người có xe nhàn rỗi, của người cung cấp dịch vụ kết nối và bao trùm hơn cả phải là lợi ích từ làn sóng công nghệ mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.