Grab sẽ phải 'đeo gông' như taxi truyền thống, ai chịu thiệt ?

12/10/2018 15:53 GMT+7

Bỏ qua nhiều ý kiến góp ý của giới chuyên gia về việc cần có khung pháp lý riêng quản lý Grab, Uber, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất quy các ứng dụng gọi xe này về quản lý như mô hình taxi.

Từ 4.0 đẩy về 0.4 
Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đáng chú ý, sau khi tham khảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều đơn vị, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan có quan điểm cho rằng hoạt động của loại hình vận tải Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi. Dự thảo mới nhất này cũng bỏ quy định "taxi điện tử" đã được đưa ra tại bản dự thảo đã trình ngày 31.7.
Như vậy, nếu được thông qua, các ứng dụng gọi xe điện tử như Grab, Go-Viet... sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống và toàn bộ các phương tiện đối tác hiện kết nối phần mềm điện tử sẽ phải gắn phù hiệu "Xe taxi" trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định, đồng thời, phải có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO phản ứng rất mạnh đối với quan điểm quản lý của Bộ GTVT. Theo ông, từ bản dự thảo gần nhất, việc đưa khái niệm "taxi điện tử" nhưng vẫn gắn với nhiều quy định bất hợp lý, dư thừa như yêu cầu gắn phù hiệu, hộp đèn... đã thể hiện sự yếu kém, lúng túng trong định danh của cơ quan quản lý, nay còn loại luôn khái niệm mới, đẩy tất cả về mô hình cũ là không thể chấp nhận được. 
Ông Đức thừa nhận, để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ. Từ luật hiện hữu của chúng ta đã không ổn, có xoay xở quy định kiểu gì cũng bất cập. Trong tình hình xã hội thay đổi quá nhanh, bắt buộc phải có điều chỉnh và đành phải chấp nhận một số bất cập chưa thể cải thiện. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên một cơ sở logic, tư duy nguyên tắc rõ ràng, hợp lý. Việc Bộ GTVT liên tục thay đổi quan điểm thể hiện không có chính kiến, làm Nghị định kiểu "đẽo cày giữa đường", bên nào nói mạnh hơn thì nghe, đến khi cả hai bên cùng "tổng tiến công" thì Bộ ở giữa rút lui, coi như không quản gì. 
"Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành Vinasun, Mai Linh, còn ông muốn dùng tổng đài hay phần mềm gì kệ ông, không quan tâm. Điều ngày hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4" - ông Đức nói thẳng.
Người dùng chịu thiệt
Thực tế, điều kiện tiên quyết giúp Grab, Uber nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, khẳng định được tên tuổi, vị trí trên thị trường vận tải chính là giá cả. Đơn thuần là đơn vị trung gian môi giới, kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu, các doanh nghiệp (DN) này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống và phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Tâm lý "giá rẻ là chọn" được thể hiện rất rõ. Đó là các hãng taxi truyền thống có đầu tư hệ thống gọi xe điện tử nhưng giá cước không đổi thì người dùng vẫn không chọn. Hay vào giờ cao điểm, khi cầu vượt quá cao so với cung, giá cước Grab đẩy lên cao, hành khách lại chọn đi taxi truyền thống.
Tuy nhiên chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cảnh báo nếu “ép” Grab vào mô hình của một DN vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống thì người dân sẽ hết thời đi giá rẻ. Khi đó, buộc Grab phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được DN áp vào giá thành, bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa.
“Cần thiết phải có luật riêng để quản lý Grab, theo kịp, thậm chí đón đầu những thay đổi liên tục về công nghệ. Trong đó, phân định trách nhiệm của từng đơn vị về quản lý thuế, cơ sở hạ tầng… Không thể lấy cái cũ chỉnh sửa lại vì bản chất hoàn toàn khác nhau, họ không phải taxi, không phải DN kinh doanh vận tải. Thời đại công nghệ, chỉ công nghệ mới quản được công nghệ”, ông Hòa đề xuất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh yêu cầu DN công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một DN vận tải sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi, tăng chi phí, triệt tiêu lợi ích của họ. Đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ và chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.